- Thường ngày tráng sĩ có được học hành chi không?
- Trình quốc công! Khi xưa thân phụ đã từng đỗ cống sinh, không
được gọi ra làm quan, ở nhà dạy học nên kẻ bần dân cũng được học hành
đôi chữ.
- Khi nãy tráng sĩ nghĩ câu gì trong binh pháp mà mải mê đến vậy?
- Trình đại vương! Đó chỉ là vài ý nghĩ thiển cận của kẻ quê mùa này
thôi ạ.
- Xã tắc hưng vong thất phu hữu trách. Tráng sĩ nghĩ thế nào cứ mạnh
dạn nói ta nghe?
Phạm Ngũ Lão thấy Quốc Tuấn ân cần như vậy mới nói
- Giặc Thát xâm lấn nước ta, tướng mạnh quân đông, thế như gió bão.
Nước ta đất hẹp, dân ít lại nghèo. Cái thế thiểu chúng đã rõ ràng, ta phải
dùng kỳ binh mà chống mới thủ thắng được.
(Thiểu chúng (Lấy ít đánh nhiều): Một thiên trong sách Lục Thao của
Hoàng Thạch Công)
- Tướng Nguyên đều là những kẻ tinh thông binh pháp, ta làm thế nào
mà dùng kỳ binh?
- Hai bên đối luỹ giữ nhau, đều muốn dùng mưu mô đánh lừa đối thủ.
Mấu chốt để giành phần thắng nằm cả trong một chữ biến mà thôi. Nhanh
bạo thì thắng, chậm trễ tất thua.
Hưng Đạo tươi cười nói:
- Tráng sĩ nói rất phải. Vậy điểm cốt yếu của phép dùng binh là gì?