ngao du sơn thuỷ với bạn bè, vạn nhất có sự xích mích tranh chấp thì lấy
điều dĩ hoà vi quý, không chấp chi những việc nhỏ nhặt. Vì thế các anh
hùng nghĩa sĩ, tao nhân mặc khách đến với Nhật Duật có tới mấy nghìn
người. Trong số đó có một người là Phó Tường quê ở Phong châu. Người
này mình cao bảy thước, tay dài quá gối, mặt đen, râu quăn, võ nghệ cao
cường, có sức vật đổ trâu mộng thật là tay kiện tướng hiếm thấy trên đời,
được mọi người gọi là Nam Thiên dũng sĩ. Một người nữa là Trương Tích
ở huyện Bàng Hà, mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo chuyên nghề đốn củi bán
lấy tiền nuôi mẹ, đêm đêm lại cùng bạn bè luyện tập côn quyền đến khi
trăng lặn mới ngừng tay. Về sau Trương mẫu qua đời, Trương Tích tìm đến
theo Nhật Duật. Nhật Duật thấy là người có tài, có trí mới nhận làm môn
khách. Khi nhà Tống bị nhà Nguyên diệt, rất nhiều người Tống trốn sang
Đại Việt, có một người là Triệu Trung đem hơn nghìn lính Tống đến theo.
Nhật Duật nói chuyện, biết Trung là người có nghĩa nên nhận làm gia
tướng, cùng với Phó Tường, Trương Tích lo việc quân tình. Triệu Trung có
hai người thân tướng. Người thứ nhất tên là Giả Cương mình cao bảy
thước, râu rậm, mắt sáng, tiếng nói như sấm rền thường dùng một cây thiết
kích nặng tới sáu mươi cân, cưỡi ngựa ô truy rất kiêu dũng, y giáp đều màu
đen, đi đến đâu xám cả một vùng nên có biệt hiệu là Vân lôi dũng sĩ. Người
thứ hai là Tiết Hùng, mặt đẹp như hoa, mày tằm mắt phụng, bào trắng giáp
bạc, cầm cây trường thương, cưỡi ngựa bạch câu lướt trên chiến trận như
một bông hoa tuyết bay trong gió bão. Nhật Duật thường khen:
- Người này tài dũng có thừa mà phong thái lại ung dung đẹp đẽ như
một tiên đồng, hẳn là hậu duệ của Tiết Đinh Sơn ngày trước.
(Tiết Đinh Sơn: Danh tướng đời Đường, có tiếng đẹp trai. Khi ông ra
trận, nữ tướng đối phương là Phàn Lê Hoa vì quá yêu ông nên tìm mọi cách
buộc ông phải lấy nàng làm vợ)
Tiết Hùng còn có hai người bạn là Dương Lâm và Đặng Hoành cũng
là những tay kiệt hiệt trên đời cùng theo Triệu Trung đến với Nhật Duật,