Người kia vội vái Nhật Duật một vái, nói:
- Kẻ hèn này cũng họ Trần, nghe tiếng vương công đã lâu, hôm nay
được tiếp kiến, thật muôn vàn vinh hạnh.
Trần Đạo Chiêu nói xong, mời Nhật Duật vào nhà cùng ngồi đối ẩm,
chuyện trò rất tương đắc. Ngôi nhà của Đạo Chiêu nhỏ mà chỗ nào cũng
thấy la liệt toàn sách vở, trên tường có treo một cây kiếm ngắn. Hai người
nói chuyện hồi lâu, Đạo Chiêu gảy cho Nhật Duật nghe một khúc đàn.
Tiếng đàn ngân nga khi bổng khi trầm gợi một nỗi buồn man mát như kẻ lữ
hành chạnh nhớ quê hương. Nhật Duật hỏi:
- Tiên sinh trong lòng đang có chuyện không vui chăng?
Đạo Chiêu nói:
- Tôi nay là kẻ vong quốc, có nhà mà chẳng dám về, lại giận thân vô
dụng, không giúp được gì cho giang sơn trong lúc lâm nguy thì vui sao
được.
- Tiên sinh thật là có tấm lòng của kẻ trượng phu.
Từ khi ấy Nhật Duật thường đến thăm Đạo Chiêu. Hai người tình cảm
ngày càng thân thiết mà phần thủ lễ có vẻ sơ sài. Trần Đạo Chiêu là người
có kiến thức rộng rãi nên mỗi khi bàn việc thế sự đều rất hợp ý Nhật Duật.
Đến khi Nhật Duật được nhà vua cử đem quân đi phòng thủ Tuyên Quang
(Tuyên Quang: Miền Tây Bắc, thuộc tỉnh Lào Cai ngày nay)mới nói với
Đạo Chiêu rằng:
- Tôi vâng mệnh hoàng thượng, mang quân lên mạn ngược, chẳng biết
khi nào mới về gặp được tiên sinh.
Đạo Chiêu nói: