hậu xứ ấy nóng ẩm dễ sinh ôn dịch. Hữu thừa Toa Đô mang quân đi tuy
thất lợi nhưng ở đất Nam đã quen không nên thay tướng khác.
Quốc công thượng thư Sài Thung (Nguyên sử chép tước hiệu Sài
Thung là quốc công nhưng cũng có tài liệu còn nghi ngờ điều này) tâu
rằng:
- Lời đạt lỗ hoa xích vừa trình bày là rất có lý. Dân phương Nam nếu
không đè bẹp được ý chí của chúng đi nhất định chúng không thuần phục.
Xin hoàng thượng cử thêm tướng giỏi mang nhiều quân đi giúp Toa Đô,
giục ông ta đánh lên miền Hoan, Ái của An Nam, nước An Nam tất mất.
Khi An Nam đã bị diệt, hoàng thượng chỉ với tay là tóm được vua Chiêm
Thành chứ có khó khăn gì. Vả lại Toa Đô là người có nhiều công lao trong
việc đánh Tống, không nên vì việc này mà cất chức ông ta.
Đại tướng tả thừa là Đường Ngột Đải tâu:
- Thần tuy bất tài nhưng cũng xin đem quân đi cứu Hữu thừa Toa Đô.
Hốt Tất Liệt thấy quần thần nhiều người muốn tăng viện cho đạo quân
ở Chiêm Thành, mới nói:
- Nước Kim, nước Tống đất đai muôn ức dặm, dân số mấy trăm triệu,
tướng giỏi binh đông ta còn nghiền nát như tro bụi huống chi một cái xứ
Việt Chiêm nhỏ như lòng bàn tay.
Nói xong lệnh cho Đường Ngột Đải mang mười vạn quân cùng một
nghìn chiến thuyền đi tăng viện cho Toa Đô đánh sang Đại Việt. Đường
Ngột Đải mang quân đến Ô thành, Toa Đô như cá gặp nước định tiến ngay
sang chiếm lấy miền đất Bố Chính của Đại Việt. Thân vương Giảo Kỳ nói:
- Quân ta đã đông, nhưng đánh ngay sang Đại Việt e người Chiêm tập
hậu, chi bằng ta đánh chiếm nốt châu Lý để trừ hậu hoạ, khai thông cả hai
đường thuỷ bộ mà tiến có hơn không.