Trần Thủ Độ lại nói:
- Anh hai tôi khi sắp qua đời có dặn phải tìm người kiến thức giúp đỡ,
vậy thưa cụ như thế nào mới là người kiến thức?
Kiều chân nhân cười lớn, nói:
- Người kiến thức là người biết dùng kiến thức của cả trăm họ để mưu
cái lợi cho trăm họ. Đại quan đi tìm kiến thức của một người sao bằng đi
tìm kiến thức của muôn dân có hơn không?
Mùa xuân năm Kiến Gia thứ mười bốn (Giáp Thân-1224), bệnh tình
của Huệ Tông đã thuyên giảm nhiều nhưng Trần Thủ Độ lấy cớ nhà vua
vẫn còn ốm nên cho dọn vào ở trong một gian hậu cung. Quan ngự y là
Chử Nhiệm Khai can rằng:
- Bệnh tình của hoàng thượng mười phần đã đỡ được bảy tám rồi, nên
đi lại ra ngoài cho sảng khoái mới mau hồi phục chứ sao lại bắt hoàng
thượng ở trong hậu cung như vậy?
Thủ Độ quắc mắt, quát:
- Nhà ngươi là ngự y mà không thông y lý hay sao? Trong ngũ ố thì
tâm ghét nhiệt. Ngươi vẫn nói bệnh của hoàng thượng là ở nội tâm, nay đã
qua mùa xuân, tiết trời nóng bức, để hoàng thượng ra ngoài được không?
(Ngũ ố: Năm điều ghét là tâm ghét nhiệt, phế ghét hàn, can ghét
phong, tỳ ghét thấp, thận ghét táo)
Chử Nhiệm Khai không dám nói gì, lắc đầu đi ra. Từ đấy Huệ Tông bị
giam chặt nơi hậu cung, đêm ngày có lính hổ bôn thân tín của Trần Thủ Độ
canh giữ, các triều thần không được bén mảng, chỉ có một thị nữ A Nhi ra
vào đưa cơm nước hầu hạ. Một hôm nhà vua muốn ra vườn chơi. Bọn lính
canh không cho đi, nói: