Bọn này nếu không là hoàng thân quốc thích cũng con cháu công thần,
chúng gian hiểm vô cùng, không những có bề trên che chở mà còn nhiều
thủ đoạn xảo quyệt để giấu giếm hành tung, đâu có dễ gì tìm ra manh mối,
mà ngay cả khi tìm ra manh mối liệu có xử được chúng hay không? Vậy là
của dân cứ bị vơ vét mà không dám kêu, cơm lính cứ bị cắt xén mà không
dám nói. Bách tính biết trông cậy vào đâu? Người trung lương bị hãm hại,
bỏ rơi. Hỏi còn ai muốn hết lòng vì nước nữa đây? Nước có dân làm gốc,
dân không tin, sao nước chẳng suy tàn. Nhà vua tự bịt mắt mình, lúc nào
cũng muốn quần thần tung hô là thời thái bình thịnh trị.
Kiều chân nhân dừng lại nhấp một ngụm nước rồi tiếp:
- Nhưng trăm sự đều do ý giời. Giời làm ra thế! Muốn chữa khỏi bệnh
chỉ có cách đổi giời.
Chính câu nói này của Kiều chân nhân như kéo Trần Thủ Độ ra khỏi
cơn mê, ông ta kêu lên:
- Đổi giời!
Tiếng kêu nửa như kinh hãi của một tội đồ, nửa như sung sướng của
kẻ tìm ra lối thoát ở cuối đường hầm. Từ đấy trong đầu Thủ Độ hình thành
dần một kế hoạch đổi giời. Thủ Độ tiếp:
- Tuy nhà Lý đã quá mục ruỗng nhưng trong triều vẫn còn nhiều người
trung thành, dẫu có muốn đổi giời phải đâu là dễ.
Kiều chân nhân cười khà khà, nói:
- Trung thành! Trung thành. Những kẻ đeo mỹ tự ấy chẳng khác nào
một mụ gái goá đang tuổi hồi xuân, nếu có người đàn ông khác chăm lo
chu đáo, quên ngay chồng cũ thôi mà. Vả lại đã mưu cuộc đổi giời trong
tay phải cầm chắc cây kiếm thép.