- Tôi biết tướng giữ thành Thanh Hoá là Trần Kiện tuy khoẻ nhưng
hèn hạ. Ta chỉ cần đem quân vây thành cũng đủ để y sợ hãi ra hàng rồi. Mà
nếu y cố đánh, tôi dùng một mẹo nhỏ cũng bắt được. Ta nên chia quân làm
hai, tôi dẫn quân đánh thành, còn Hữu thừa ở lại chống nhau với Trần Nhật
Duật rồi cho binh thuyền tiến dần lên áp sát phía Đông Bắc thành, chẳng
bao lâu Thanh Hoá sẽ thuộc về tay chúng ta.
Toa Đô nghe theo, để Giảo Kỳ, Lưu Khuê, Hắc Đích, Kê La Liên,
Triệu Phù mang quân đi, còn mình cùng Đường Ngột Đải, Bà Lậu, Chế
Anh Kiệt ở lại chống nhau với Trần Nhật Duật. Giảo Kỳ cho quân tiến theo
hướng Tây vào thẳng chân núi Nưa, vòng lên đánh vào hướng Tây và
hướng Nam thành. Tướng Việt là Chương Hiến hầu Trần Kiện nghe tin
quân Nguyên đánh đến, liền mang quân ra khỏi thành đón đánh. Quân hai
bên dàn trận ngay dưới chân thành. Trần Kiện cầm giáo dài, bào xanh, giáp
bạc, cưỡi ngựa ô long đi lại như bay trước trận. Lưu Khuê nói với Giảo Kỳ:
- Khi trước nghe điện hạ nói về Trần Kiện, tôi cứ hình dung ra một
thằng cha trói gà không chặt, ngờ đâu hắn còn trẻ mà kiêu dũng thế này.
Giảo Kỳ nói:
- Hắn chỉ có cái vũ dũng của kẻ thất phu mà thôi, thực ra đã nằm trong
túi ta rồi, chẳng có gì phải lo cả - Quay lại hỏi Hắc Đích - Ngươi dám đánh
với nó không?
Hắc Đích dạ một tiếng rồi múa giáo xông ra đánh. Trần Kiện là con
thứ của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, vốn người khoẻ mạnh lại
được cha rèn tập cho từ nhỏ nên các môn võ nghệ không môn nào không
tinh thạo, lớn lên thường chơi với hoàng tử Trần Đức Việp (con thứ Trần
Thánh Tông), từ khi Đức Việp được phong vương, còn Kiện chỉ được
phong hầu sinh ra tức tối, kỳ thị. Khi ấy đánh nhau với Hắc Đích hơn năm
mươi hiệp mà không sơ hở miếng nào. Quân sĩ hai bên reo hò vang dậy.
Giảo Kỳ tận mắt thấy Trần Kiện có sức khoẻ cũng có ý yêu, không muốn