sông Thiên Đức rồi. Vương Lê liền cho thuyền chiến đuổi theo nhưng đoàn
thuyền của Võ Hàn đã đi xa.
Đoàn Thượng thấy Nguyễn Nộn nhận phong lui binh, cũng rút quân
về Hồng châu.
Mùa hạ, tháng năm, Văn hoàng đế Trần Cảnh phong em là Trần Nhật
Hiệu lúc ấy mới hai tuổi làm Khâm Thiên đại vương, phong phẩm hàm cho
các quan văn võ, lấy ngày sinh mười sáu tháng sáu làm tiết Càn Ninh. Mùa
đông tháng mười tôn phụ quốc thái uý Trần Thừa làm thượng hoàng.
Thượng hoàng Trần Thừa lúc còn ở nhà, vẫn thường đánh cá ngoài
sông. Vào năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ Ba (1204), đời Lý Cao Tông, Trần
Thừa đã hai mốt tuổi, một hôm quăng chài nhưng mãi đến chiều vẫn không
được con cá nào, cứ xuôi dòng đi mãi xuống hạ lưu, không ngờ gần tối trời
nổi cơn dông hất tung thuyền lên bãi ngô bên bờ. Có người con gái họ Mai
đi hái bắp về, trông thấy Thừa nằm sóng soài trên cát mới lấy áo tơi che
cho rồi đưa về nhà ở thôn Bà Liệt (Thôn Bà Lệt, huyện Tây Chân: Thuộc
huyện Nam Ninh tỉnh Nam Định ngày nay (Theo ĐVsktt).). Nhà Mai Thị
rất nghèo, chỉ có hai mẹ con mà Trần Thừa lại ốm sốt. Bà mẹ Mai Thị đem
con gà mái đang ấp ra chợ bán lấy tiền mua thuốc cho Thừa. Còn những
quả trứng sắp nở phải ủ trong trấu ấm, ít hôm sau nở ra một lũ gà con
không mẹ, không cha. Trần Thừa ở đó mấy ngày, thấy Mai Thị xinh đẹp mà
nghèo quá, có ý thương. Mai Thị thấy Thừa khoẻ mạnh cũng mến lắm. Hai
người tình ý với nhau. Đến khi Mai Thị có mang, Trần Thừa bảo:
- Tôi ở đây đã lâu, sợ cha mẹ mong đợi. Vả lại tôi phải về nói với cha
mẹ đem cơi trầu đến cưới hỏi để cô khỏi mang tiếng là người lang chạ.
Mai Thị cầm tay Thừa, khóc nói:
- Anh về quê, tôi ở đây đợi anh, một ngày dài tựa một năm. Mong anh
mau quay lại.