nhưng phong gói cẩn thận giao cho Khắc Chung. Buổi chiều, Khắc Chung
vào chầu vua rồi lén tìm đến chỗ công chúa Thiên Thụy đưa thư.
Công chúa Thiên Thụy ở gần tuổi ba mươi, thời gian đã vạch trên
khuôn mặt xinh đẹp của nàng vài ba nếp nhăn nơi cuối mắt nhưng không vì
thế mà làm mất vẻ yêu kiều của người con gái chốn thâm khuê. Lâu lắm
nàng không chuyện trò với người đàn ông nào, trừ phi thượng hoàng hoặc
nhà vua đến thăm hỏi. Ngọn lửa ham muốn yêu đương một thời tuổi trẻ
dường như đã tắt ngấm trong con tim đau đớn của nàng. Những ngày tháng
ham hố bồng bột đã lùi vào dĩ vãng mờ xanh. Thâm cung với những gác tía
lầu son giờ đây chẳng khác chi chốn giam cầm, làm lụi tàn tuổi thanh xuân
và úa vàng mọi khát khao của một đời con gái. Đối với nàng tất cả chỉ còn
là kỷ niệm và những buổi chiều nhớ nhung dài đằng đẵng. Rồi niềm thương
nhớ cũng phai dần theo thời gian, biến con tim nàng trở thành vô cảm, mất
hết sức sống, không còn màu tươi non của nguồn nhựa tình yêu. Nàng chỉ
còn độc một thú vui là chiều chiều ngồi bên song cửa ngắm những đám
mây lặng lờ trôi về phía cuối trời. Chiều nay cũng vậy, công chúa đang chỉ
cho người thị nữ thấy kia là một đám mây giống hình tiên nữ phiêu du một
cách lẻ loi, phải chăng đó là người con gái bị giam trong tháp Lôi Phong,
bỗng có một thị nữ khác bước vào dâng bức thư của Trần Khánh Dư. Thiên
Thụy không tin ở mắt mình nữa, nàng run run mở thư đọc, nước mắt tuôn
rơi làm nét chữ nhoè đi. Nhưng rồi nàng cũng đọc hết bức tình thư. Những
nếp nhăn nơi cuối mắt dãn dần ra, trên khuôn mặt vẫn còn đẫm lệ thoáng
một nét cười. Nhựa sống trong con tim nàng đã chảy, nguồn mạch yêu
đương dội về lai láng tràn trề. Những ước nguyện mộng mơ trong con
người nàng khô héo từ lâu, đang xanh dần trở lại.
(Theo thần thoại Trung Quốc, em gái Ngọc Hoàng dan díu với người
phàm trần; Ngọc Hoàng biết được, đem giam nàng vào tháp Lôi Phong)
Theo lời hẹn trong thư, sáng hôm sau Thiên Thụy cùng hai thị nữ lên
chơi Tây Hồ. Mặt nước trong xanh, phẳng lặng. Chưa có một vị công tử