47
T Ạ I S A O M Ấ T N Ư Ớ C T H Ờ I T Ự Đ Ứ C ?
Bắc chưa bị hệ thống hóa thành Bắc Kỳ), Calcutta (1885), Santiago
(1890), Tokyo (1894-1905). Khi về hưu năm 1906, Harmand còn
đắc lực phục vụ, trở thành chủ tịch Hiệp hội Địa lý và Hiệp hội Địa
lý thương mại Paris.
Harmand cùng hai tướng Courbet và Bouet quyết định gây áp
lực nhanh và mạnh để bắt buộc triều đình Huế phải chấp nhận
sự bảo hộ. Bouet tấn công quân Cờ đen ở miền Bắc. Courbet và
Harmand tấn công thành Thuận An. Thành vỡ, quân ta bỏ chạy
nhanh chóng, dân chúng cũng bỏ làng chạy trốn.
Triều đình Huế cũng xin “hòa” nhanh chóng, sai ba đại quan
Hiệp biện Đại học sĩ Trần Đình Túc, Lại bộ Thượng thơ Nguyễn
Trọng Hiệp (có nơi viết là Hợp), Sung biện Nội các Huỳnh
Hữu Thường ký hòa ước. Phía Pháp có Jules F. Harmand và De
Champeaux, Ory, chánh văn phòng, de la Bastide, sĩ quan tùy
viên, Mosse, công chức quản lý tại Cochinchine (lúc này cũng chưa
bị hệ thống hóa thành Nam Kỳ) và Haita, thông ngôn và thư ký
phủ Toàn quyền ký nhận.
Thời điểm này, các quan trong triều đình Huế náo loạn, người
thì muốn chống Pháp, người thì muốn đầu hàng và hợp tác với
Pháp. Vì vua Hiệp Hòa có ý nghị hòa với Pháp, nên Tường và
Thuyết buộc vua Hiệp Hòa tự xử theo lệ “tam ban triều điển” (có
nghĩa là cho vua tự lựa chọn một trong ba cách: uống một chén
thuốc độc, tự treo cổ bằng một dải lụa, hay tự đâm chết bằng một
con dao). Ngày 29 tháng 11 năm 1883, nhà vua uống thuốc độc
chết, chỉ ở ngôi vị được bốn tháng, sau đó Tường và Thuyết lập
Kiến Phúc lên ngôi, nhưng cũng chỉ được có sáu tháng thì cũng
bị Nguyễn Văn Tường bỏ thuốc độc chết, vua Hàm Nghi được