mua đồ ăn vặt, tiền để tiêu cả tháng nhưng chỉ hai ba ngày đã hết nhẵn.
Thế là, cha mẹ chỉ cách cho em phối hợp với người khác để quản lý số
tiền này. Sau đó, em nhờ bạn thân cầm tiền, mỗi ngày đưa em một ít,
đây là một cách rất tốt để rèn luyện được khả năng kiềm chế.
☘ DÙNG CÁCH “MƯA DẦM THẤM LÂU”
Khả năng tự kiềm chế không thể hình thành trong nháy mắt, cũng
không thể vừa hạ quyết tâm là thực hiện được ngay, mà cần cả quá trình
lâu dài. Điều này cũng giống như việc bạn bắt trẻ ngay từ mai phải học
thật giỏi, trẻ không đạt được mục tiêu thì sẽ buồn bã, có cảm giác thất
bại, mất đi sự tự tin. Bạn hãy thay đổi bằng cách yêu cầu trẻ trong một
tuần đầu, cứ học một tiếng lại chơi mười lăm phút, nếu làm được thì đến
tuần thứ hai học một tiếng chơi mười phút, nếu thực hiện được nữa thì
tuần thứ ba học hai tiếng chơi nửa tiếng. Khi việc đó trở thành thói
quen, khả năng tự kiềm chế tự nhiên cũng sẽ hình thành. Loại bỏ thói
quen xấu hay hình thành thói quen tốt đều có thể áp dụng cách này.
Hãy nhớ rằng, tiến hành mọi việc một cách tuần tự rất có lợi cho việc
rèn luyện sự tự tin, không gây áp lực cho trẻ, giúp trẻ có thể rèn luyện sự
kiềm chế một cách nhẹ nhàng nhất.
☘ KHÍCH LỆ TRẺ
Khi trẻ có sự thay đổi tích cực, nếu không kịp thời nhận được sự
khích lệ, dần dần trẻ sẽ lại trở về trạng thái ban đầu. Chúng ta có thể
dùng phần thưởng tinh thần là chính, phần thưởng vật chất là phụ. Phần
thưởng tinh thần có thể là khen ngợi trẻ: “Con thật sự lớn rồi, nếu con
tiếp tục kiên trì, nhất định sẽ thành công!”. Đặc biệt là những người
bình thường ít khi nói chuyện với con, một khi quan tâm, tán thưởng
con sẽ càng củng cố thêm sự tự tin cho chúng. Đừng cho trẻ phần
thưởng vật chất quá thường xuyên, chỉ nên thưởng khi đã đạt được kết
quả, không nên áp dụng cho cả quá trình. Ví dụ, sau một thời gian cố
gắng, trẻ có tiến bộ rõ rệt về hành vi, đồng thời có thành tích cụ thể, cha
mẹ có thể đưa cả nhà đi chơi công viên, hoặc mua cho con quyển sách
chúng đã thích từ lâu. Bạn đừng nói với con thế này: “Nếu hôm nay con
học liền được hai tiếng đồng hồ, mẹ sẽ mua cho con quần áo mới!”. Làm
như vậy sẽ khiến trẻ biến việc tự kiềm chế trở thành việc mang tính chất
“biểu diễn” cho cha mẹ xem, không có lợi cho sự phát triển lành mạnh
của trẻ.