Cha mẹ nên giúp trẻ sắp xếp hợp lý thời gian học ở trường và thời
gian đọc sách truyện, cùng trẻ lập ra thời gian biểu, sau khi trẻ làm
xong bài tập thì cho phép và khuyến khích trẻ đọc theo sở thích. Ví dụ
như, giao hẹn với trẻ sau khi tan học, thời gian nghỉ ngơi ở nhà có thể
đọc sách, nhưng đến thời gian làm bài thì không được đọc nữa; hoặc căn
cứ lượng bài tập trong ngày của trẻ để tăng giảm thời gian đọc sách một
cách hợp lý. Chỉ cần trẻ phân phối thời gian hợp lý, thì việc này sẽ
không ảnh hưởng đến việc học, hơn nữa còn tăng cường được kiến thức
cho trẻ.
☘ KHÔNG ĐỂ TRẺ MANG SÁCH KHÁC ĐẾN TRƯỜNG
Không nên cho trẻ mang sách khác vào lớp học, tránh ảnh hưởng
đến việc học tập. Đặc biệt, đọc sách khác trong giờ học là vi phạm kỷ
luật, không tôn trọng thầy cô. Trong trường hợp này, việc đọc sách đã
mất đi ý nghĩa của nó.
☘ CÙNG ĐỌC SÁCH VỚI TRẺ
Khi đọc sách cùng trẻ, cha mẹ đừng đọc qua loa để ứng phó, tốt nhất
nên cùng trẻ đọc để nhập tâm. Đọc xong một trang đừng vội giở trang
tiếp theo, có thể cùng trẻ đoán xem câu chuyện tiếp theo sẽ thế nào, rồi
xem nó có giống như mình đoán không. Nếu cha mẹ không biết trả lời
một số câu hỏi trong sách thì có thể cùng thảo luận với trẻ. Dù kết quả
cuối cùng có đúng hay không, chỉ cần cha mẹ và con đều vui vẻ là được.
❄ ❅ ❆
DẠY TRẺ CÁCH TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ
Thường thì trí nhớ ngắn hạn của trẻ không tốt sẽ ảnh
hưởng đến chất lượng nghe giảng trên lớp, còn trí nhớ
dài hạn lại ảnh hưởng đến khả năng lý giải các khái niệm. Các nhà
nghiên cứu phát hiện, biểu hiện thường thấy trong khả năng ghi
nhớ kém là bộ não gặp khó khăn trong phân loại mã hóa và kiểm
tra tư liệu.
Có những người trí nhớ tốt, lại có người trí nhớ kém, vì thế đa phần
mọi người nghĩ khả năng ghi nhớ là trời sinh. Thật ra, trí nhớ có thể
nâng cao qua rèn luyện, chỉ khi dùng phương pháp đúng đắn mới tăng
cường được trí nhớ cho trẻ.