tham vọng, sự sáng tạo hay khả năng tưởng tượng – và do đó cũng không có hôn nhân,
không có đứa trẻ nào được thụ thai, không có các hoạt động kinh doanh buôn bán hay các
thành phố náo nhiệt.
Khi bọn trẻ mới lớn đòi có thêm quần áo, thêm các thiết bị, thêm “nốt đặc ân này nữa
thôi”, bạn có thể tức giận với sự ích kỷ của chúng… hoặc bạn có thể dừng lại, lùi bước và
kinh ngạc trước sự tồn tại của xu hướng tội lội tràn đầy năng lượng và đam mê trong bọn
trẻ. Khi sự việc được nhìn nhận qua lăng kính này, sự tham lam tràn đầy sức sống của
chúng – thậm chí là với những thứ không thuộc gu của bạn – bản thân nó chỉ là một ham
muốn với cuộc sống. Với những người lớn bận bịu, việc mua sắm thường rơi vào một trong
hai phạm trù: những công việc nhàm chán thường ngày hoặc nhằm mục đích giải tỏa. Và
tất nhiên là một vài trẻ mới lớn cũng coi việc mua sắm là một chiếc thang máy tốc hành –
một trò tiêu khiển khỏi những rắc rối của bản thân. Nhưng với phần lớn trẻ vị thành niên,
mua sắm là một hình thức hoa mỹ để thể hiện bản thân. Hãy xem một nhóm trẻ mới lớn ở
cửa hàng mua bán đồ cũ, bạn sẽ thấy chúng dành nhiều năng lượng vào việc “săn hàng”
như thế nào. Chúng thích bới tung những chiếc bàn bán hàng – nơi chồng chất hàng đống
đồ đã qua sử dụng của người khác. Với các bậc phụ huynh, có lẽ trông chúng như một đống
quần áo bẩn nhưng với chúng, đó lại là cơ hội để “đãi cát tìm vàng”. Chúng hét lên: “Ôi-
trời-ơi! Ôi-trời-ơi! Hãy xem chiếc áo vest này, nó làm từ len nguyên chất 100%.” Thậm chí
ngay cả những đồ thuộc kiểu “mua hai tặng một” ở cửa hàng trang sức dành cho trẻ mới
lớn trên phố mua sắm – và “một” ở đây bao gồm năm cặp hoa tai bằng kim loại mỏng trên
một tấm thiệp nhỏ - cũng được chúng coi như kho báu. Chúng mua những thứ - như những
chiếc quần cực kỳ rộng hoặc vô cùng bó – cực kỳ lố bịch hoặc gợi cảm để giúp chúng thoải
mái thử nghiệm những nhân dạng mới. Chúng cũng đồng thời mua sắm để hòa hợp với
nhóm bạn hiện thời của mình. Phong cách của những chiếc quần jean, giày dép và ngay cả
đến những chiếc dây buộc tóc cũng phải đồng nhất với bạn bè của chúng. Và bọn trẻ mua
sắm để chờ đón tương lai, chờ đón niềm vui được mặc những thứ chúng đã mua đến những
sự kiện trang trọng vừa phải, các buổi hòa nhạc, các bữa tiệc hay các trò chơi. Đó chính là
sự cộng hưởng, là ý nghĩa nhân sinh của xu hướng tội lỗi thiên về vật chất.
Mặt trái của xu hướng tội lỗi trong trẻ vị thành niên là chúng tỏ ra hời hợt, thất thường
và vô tâm với ngay đến thứ chúng vừa rất thèm muốn ngày hôm trước – chưa kể chúng
hoàn toàn không để ý đến ngân quỹ của gia đình. Đó là lý do tại sao tôi không gợi ý các bạn
nên khuyến khích xu hướng tội lỗi trong bọn trẻ mặc sức phát triển bừa bãi. Điều đó cũng
phản tác dụng giống như việc nhốt nó vào một cái lồng vậy. Do Thái giáo dạy rằng con
người sống tốt nhất khi có thể cân bằng được năng lượng của xu hướng tội lỗi với hiệu quả
của khả năng tự kiểm soát bản thân. Chúng ta không muốn sống giống như loài vật – thỏa
mãn mọi ham muốn của mình. Nhưng chúng ta cũng không nên cố gắng bắt chước các
thiên thần – không bao giờ bị cám dỗ bởi những khoái cảm phàm tục. Ngay từ khi sinh ra,
chúng ta đã được ban cho ý chí tự do – nó cho phép chúng ta lựa chọn mình sẽ thỏa mãn
hay chế ngự những ham muốn nào. Nguồn sức mạnh này cho phép chúng ta gác lại cảm
giác hài lòng tạm thời để đạt được mục tiêu, đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu
của bản thân và khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn hơn với những gì mình đang có.