một mình một lát. Mẹ có thể gọi điện đến nhà ông bà Lane và nói với họ rằng tối nay con
không thể trông trẻ không?
Nếu bạn định kiềm chế xu hướng muốn giúp chúng ổn định lại, bình tĩnh hơn, để bọn
trẻ mới lớn thích thổi phồng mọi chuyện và tự dối mình này xử lý vấn đề của chúng, bạn sẽ
cần có một vài chiến lược sẵn sàng hành động ngay tức khắc.
Chờ đợi
Các vấn đề của trẻ mới lớn có thể bắt lửa, bốc cháy dữ dội và sau đó cũng tàn lụi nhanh như
thế. Carol Eliot – một giáo viên lớp Bảy tại một trường phổ thông dành cho nữ sinh – nói
với tôi rằng các bà mẹ thường gọi điện cho cô về những mâu thuẫn giữa các cô gái:
“Johanna bị hủy hoại bởi những gì Lindsay và Alexandra làm với con bé!”. Carol nói rằng
cô học cách lắng nghe nhưng không can thiệp vào. “Đến khi tôi bắt đầu tìm hiểu vấn đề thì
nó đã không còn nữa”.
Nếu cha mẹ thể hiện sự lo lắng với những sự việc bình thường của trẻ vị thành niên –
“Thật kinh khủng! Mẹ nghĩ Rachel là người bạn con có thể tin tưởng cơ đấy!”, “Làm sao
thầy Singer lại chỉ định con vào chiếc ghế thứ ba trong dàn nhạc khi thầy ấy biết rõ lý do
duy nhất con gặp khó khăn hôm thử giọng là con quá mệt?” – họ đang khiến bọn trẻ nghĩ
rằng cuộc sống không có chỗ cho những thay đổi tất yếu. Phản ứng lo lắng thái quá của cha
mẹ cũng cho bọn trẻ thấy rằng bạn không thể đối mặt với sự buồn rầu, bối rối, lựa chọn sai
lầm của chúng và có thể chúng sẽ trở nên cẩn trọng về việc cởi mở với bạn trong tương lai.
Hãy cảm thông chứ đừng xen vào chuyện của bọn trẻ
Mặc dù bạn không nên nhảy dựng lên khi bọn trẻ mang rắc rối đến, bạn cũng đừng hoàn
toàn không để ý đến cảm xúc của chúng. Khi tôi hỏi hai đứa trẻ 19 tuổi rằng cha mẹ có thể
giúp chúng như thế nào khi chúng 14 tuổi và có chuyện buồn về tình cảm, chúng đã nói
rằng: “Tốt nhất là họ đừng có nói rằng ‘Con vẫn chưa thật sự yêu đâu. Con còn quá nhỏ cho
những chuyện này.’” Tôi cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên nói những câu như
“Đừng có rầu rĩ về việc không được tham gia vào đội bóng nữa. Đằng nào thì đá bóng ở
trường đại học không phải là một hoạt động hay dành cho con đâu. Ra khỏi phòng con
ngay lập tức và bố sẽ nói cho con biết vì sao.”
Thay vào đó, hãy thể hiện sự cảm thông và tránh can dự vào nỗi thất vọng của chúng.
Hãy tỏ ra muốn tìm hiểu và tốt bụng nhưng đừng hoảng sợ. Bạn có thể nói những câu như:
Ôi! Hay Ồ, Trời ơi, hoặc Mẹ có thể thấy con buồn/ lo lắng vì chuyện này như thế nào. Hay
Chuyện này thật khó xử. Hãy lắng nghe phần lớn thời gian và cho chúng có cơ hội trút bầu
tâm sự và thổ lộ suy nghĩ của mình. Nếu chúng nhờ bạn giúp đỡ, hãy dùng ngay những câu
hỏi mang tính dẫn dắt và ám chỉ rằng bạn tin con có khả năng phát huy được mọi nguồn
lực của mình: Con đã nghĩ đến cách xử lý này chưa? Hay Con đang định thử làm gì? Con
đã thử làm gì rồi? Nó thế nào? Tiếp theo con định làm gì? Hãy cố gắng hết sức để bọn trẻ
tự tìm được câu trả lời cho bản thân mình.