« đía » đó khả ố thật, nhưng thường vô hại cho xã-hội vì không làm cho ai
tin được cả.
- Ông G. L Duprat không kể trường-hợp trẻ nói dối vì ghen. Tôi cho
trường-hợp nầy cũng rất thường. Một đứa nhỏ mồ côi mẹ. Cha nó không tục
huyền, nhưng tối tối thường mời bạn bè – trai và gái – đến chơi cho vui. Nó
nằm ở phòng bên nghe những tiếng cười nói, và đâm suy-nghĩ. Rồi cứ đúng
lúc đó nó kêu đau bụng, bắt ba nó phải bỏ khách, vào săn-sóc nó. Nó sợ ba
nó bỏ quên nó, nên phải nói dối. Trong trường-hợp đó, trị được bịnh ghen thì
tự nhiên tính nói dối cũng mất.
- Một nguyên-nhân nữa là trẻ muốn làm cho người lớn thương nó hơn.
Một đứa con gái tám tuổi, mồ côi cha mẹ, khi thì ở bên nội, khi thì ở bên
ngoại. Cả hai gia đình đều thương nó, nhưng không bên nào chịu gánh riêng
trách nhiệm nuôi nó. Nó tủi thân và đau khổ. Ở với bên nội thì nó bảo :
« Ngoại cho cái nầy cái khác, cưng thế này thế nọ » ; ở với bên ngoại thì nó
lại bảo : « Nội cho cái này cái khác, cưng thế này thế nọ ». Nó muốn cho
bên nào cũng cưng nó hơn nữa, nên nói dối như vậy. Sau người ta biết rằng
nó bịa chuyện, rầy nó, nó tỏ vẻ buồn, hối-hận, nhưng chứng nào vẫn tật ấy.
Chỉ có cách một bên lãnh trách nhiệm nuôi nấng nó, để nó khỏi thấy bấp-
bênh, trôi nổi từ bên nội qua bên ngoại, thì thói nói dối đó mới hết được.
- Ông André Berge còn kể một nguyên do tâm-lý nữa. Một em nọ bị
các bạn ăn hiếp, đến nỗi không dám chơi với chúng, không dám ngó thẳng
vào mặt chúng nữa, và trước mặt chúng, run như cầy sấy : vậy mà về nhà thì
nó khoe là « đại ca » trong bọn và các đàn em phải tuân lệnh răm-rắp.
Không phải là nó khoe để được người ta khen hay phục nó đâu. Nó thèm
khát uy quyền, phải tưởng tượng ra để hưởng cái vui mà trong thực-tế nó
hoàn-toàn thiếu thốn ; tóm lại nó nói dối để tự đền bù một sở đoản. Tâm lý
đó phải chăng là tâm-lý những thi-sĩ ốm nhách, cân không được bốn chục
kí-lô, mà mơ những cuộc tiến quân của Quang-Trung, và tưởng tượng mình
phất cờ, phi ngựa vào Thăng-Long trong tiếng hoan-hô dậy đất ?
5. Trẻ đáng tin tới mực nào ?