chúng mỗi khi chúng xin một đồng hay năm cắc mua quà không. Ta chỉ nên
tập cho chúng quan niệm được thế nào là ngay thẳng, để lần lần tạo cho
chúng một lương-tâm ; chứ chưa nên phạt, vì dưới sáu tuổi, chúng chưa hiểu
được nghĩa chữ ăn cắp, mà dù có hiểu được thì cũng chưa có đủ nghị lực để
thắng thị dục mạnh vô cùng của chúng.
4. Ăn cắp vì thiếu tình thương
Trẻ trên sáu tuổi mà thường ăn cắp – tôi nhấn mạnh vào chữ thường –
thì ta phải tự hỏi những câu nầy :
- Trẻ ăn cắp cái gì ?
- Ăn cắp của ai ?
- Để làm gì ?
Và sau khi tìm ra lý do mới sửa tật.
Một lý do quan trọng là trẻ thiếu tình âu yếm của cha mẹ. Nhiều đứa
sau khi em mới sanh bỗng mắc tật ăn cắp. Hình như chúng có cảm tưởng
rằng em nhỏ đã ăn cắp một phần tình thương của cha mẹ, rồi nghĩ vậy chúng
cũng ăn cắp một cái gì. Tâm lý đó ta thấy hơi khó hiểu, nhưng được nhiều
nhà giáo dục công nhận. Ông André Berge bảo chính ông đã thấy một em
nhỏ sanh tật ăn cắp từ ngày má em đem về nuôi một con chó con mà bà ta
rất cưng, vuốt ve suốt ngày. Nó mười tuổi, trước kia học khá, bỗng nhiên
thụt lùi.
Một hôm nó kể bị má nó tát tai. Ông hỏi nó : « Con thường bị má tát tai
không ? ».
Nó thở dài, buồn rầu đáp : « Thưa không ».
Rồi một lát sau, nó tiếp : « Bây giờ má có quạu thì má đánh con chó
nhỏ ».
Cả trong những hình nó vẽ ông cũng thấy hiện nỗi lòng cô độc của nó.
Nó vẽ hai chiếc tàu lớn trở về bến, còn một chiếc tàu nhỏ thì lại ở ngoài