hướng dẫn chúng, sửa chữa chúng, giúp chúng thành những người biết tự
trọng và trọng kẻ khác. Tóm lại, giáo dục ngày nay không phải chỉ là vấn-đề
luân-lý nữa – nếu chỉ là vấn-đề luân-lý thì một tập Gia huấn ca của
Nguyễn-Trãi hay một bài Trị gia cách ngôn của Chu bá Lư là đủ dùng rồi –
mà là một vấn đề tâm-lý ; và các bậc cha mẹ cùng thầy dạy phải tìm hiểu trẻ
về mọi phương-diện, tìm hiểu bằng cách nhận xét, đọc sách, thí nghiệm.
Tôi soạn cuốn nầy và cuốn Tìm hiểu con chúng ta chính là để giúp
độc giả trong công việc tìm hiểu ấy.
Khu vực mênh-mông, không thể nào đi khắp được, cho nên ở đây tôi
chỉ nghiên-cứu ít điểm căn bản mà chúng ta phải hiểu rõ để cải thiện cách
dạy trẻ, rồi, trong cuốn sau, sẽ tóm-tắt những phương-pháp mà các tâm-lý
gia dùng để dò xét trẻ và những kết quả của công cuộc dò xét ấy.
Khoa giáo-dục rất khó-khăn và phức-tạp. Không có ai dám tự hào là
nắm được bí quyết ; cũng không có phương-pháp nào gọi là hoàn toàn. Xét
cho cùng thì ở đời không có lý thuyết nào hoàn toàn được, vì nếu nhận là
hoàn toàn tức thị là không tiến nữa, mà có ai dám nghĩ rằng từ nay đến khi
bị tiêu diệt, nhân loại đứng hoài một chỗ trong một khu vực nào đó không ?
Chẳng qua lý-thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi.
Vậy phương-pháp « thuận phát » mới được khai sanh đây tất nhiên
không thể hoàn toàn, và nhiều lời khuyên trong cuốn nầy không thể là những
quy tắc bất di bất dịch. Bạn chỉ nên coi nó như những lời dẫn dụ, đừng theo
đúng nghĩa từng chữ một. Bạn phải có tinh-thần thí-nghiệm lại và phê-phán.
Bản phải tự nhủ : « Người phương Tây đã thí-nghiệm và thấy kết-quả đó ;
thử xem ở nước mình đúng hay không ? ». Bạn lại nên nhớ rằng về giáo dục,
có khi quy-tắc tốt mà thất bại vì vấn-đề người dạy vẫn là quan-trọng hơn
hết. Không sáng suốt, không kiên nhẫn, không biết thích-nghi thì phương
pháp hoàn thiện cũng là vô dụng. Có nhớ hai điều đó thì đọc cuốn sách nầy
mới có ích.
Saigon, ngày 11-4-1958