biếng thì ta, ta thực-hành một cách sáng-suốt hơn, có ý-thức hơn, có quy-tắc
hơn. Ta hiểu tại sao phải hành-động như vậy, họ thì không ; ta biết trẻ tới
tuổi nào phát triển ra sao, và phải sửa đổi cách cư-xử với trẻ ra sao, họ thì có
biết chăng cũng chỉ lờ-mờ. Họ đứng một chỗ, ta thì mỗi ngày có thể cải-
thiện phương-pháp của ta được. Tiến là ở đấy.
Tôi không nhớ nhà văn nào đã viết một cuốn nhan đề là Le Métier
d'homme (Nghề làm người). Một đầu đề lý thú ! Tôi chưa được đọc nên
không rõ tác giả đã quan-niệm cái nghề làm người ra sao. Theo tôi thì nghề
làm người trước hết là nghề dạy con. Dù ta làm thư-ký hay bác-sĩ, làm chính
khách hay thợ rèn thì ta cũng có con và phải dạy con ; và nếu ta không có thì
giờ dạy con thì ít nhất cũng nhận nó có nhiệm-vụ dạy con. Mà cái nghề dạy
con đó là cái nghề suốt đời, không như mọi nghề kiếm ăn, có thể làm trong
ít năm rồi bỏ, nhảy qua nghề khác. Vậy nếu tôi nói chúng ta đi học để sau
dạy con, thì cũng không sai sự thực. Được cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ hai ba
chục năm, mà chỉ để kiếm tiền hoặc một cái danh, dù hư dù thực, thì chẳng
là uổng công lắm sao ? Còn phải làm cái gì cho hậu thế nữa chứ ; mà việc
ích lợi thứ nhất, ai cũng có thể làm được là truyền kinh-nghiệm của ta cho
trẻ, dìu dắt trẻ nên người để, thế-hệ sau tiếp thế-hệ trước, nhân loại tiến lần
lần lên được. Tóm lại, chúng ta được dạy-dỗ để dạy-dỗ con em, đó mới thực
là vòng luân-chuyển của nhân loại. Lâm Ngữ Đường, một học-giả Trung
Hoa, nói : « Một nền văn minh cao đẹp là một nền văn minh tạo được những
người cha, người mẹ, người vợ, người chồng và người con tốt. Đó mới là
mục đích chính của văn-minh, của nhân loại ».
Nhưng cái nghề dạy con đó, cái nghề làm người đó, than ôi ! ở nước
Việt-Nam ta chưa có trường chuyên môn nào dạy cả mà ngay ở Âu Mỹ cũng
chưa có trường chuyên môn nào có chương trình có kỹ-luật đàng hoàng, như
các trường dạy nghề khác, chẳng hạn nghề bán hàng, nghề đánh máy. Cho
nên hết thảy chúng ta vừa phải tập sự vừa phải học thêm, và đều là những
thợ vụng, vụng một cách tai hại ! Nghĩ lại những lỗi lầm của ta hồi trước, và
có lẽ mới hôm qua, hôm kia đây làm sao cho khỏi áy-náy được, thưa bạn ?