hiện được trong những hoàn cảnh hiện tại, hoặc trong một tương lai rất gần ;
sau cùng lại phải xét kết quả, lợi có bù hại không ; nếu không đủ ba điều
kiện đó thì học thuyết dù hay tới mấy, hợp « lô-gích » tới mấy, cao thượng
tới mấy cũng là vô dụng.
Mà cái thuyết không được đánh trẻ đã không cận nhân tình (không hiểu
nỗi lòng của phần đông người cha, nên mới nặng lời cho họ là dã man ;
không hiểu cả tâm lý của trẻ, chúng không hoàn toàn là những vị thiên thần),
lại không thực hiện được trong hiện tình xã hội như trên chúng tôi đã nói,
mà nếu có đem ra thực hiện thì trong đa số trường hợp lợi bất cập hại. Gần
đây các nhà giáo dục ở Mỹ đã nhận thấy rằng chính sách phóng túng của họ
đối với trẻ nên sửa đổi lại, họ muốn trở lại dùng kỷ luật như ở Anh Pháp vì
họ thấy trẻ không ưa thái độ nhu nhược của người lớn, thích được đối đãi
một cách cứng cỏi nhưng công bằng và thân thiết.
*
Trở lên trên và xét về sự đánh trẻ trong gia đình. Còn tại học đường ?
Ông Pestalozzi bảo thầy không được phép đánh trò vì (nếu tôi không hiểu
lầm ông) giữa thầy và trò không có « không khí cảm thông thấm thía » như
giữa cha và con. Coi bài « Một nhà đại giáo dục » của ông Thiên Giang
(Báo Hồn Trẻ số 1 ngày 15-12-1964). Lời đó thật hồ đồ, không thể nêu lên
làm qui tắc được. Tôi thấy đôi khi có sự cảm thông giữa thầy và trò hơn là
giữa cha và con, trong trường hợp đó thì thầy được đánh trò chứ ? Ông cũng
mắc cái tật giản dị hóa vấn đề, không để ý đến hoàn cảnh, đến tính tình của
mỗi hạng trẻ, đến tuổi của chúng.
Bộ Quốc-gia Giáo-dục Pháp cũng triệt để cấm sự đánh học trò, từ hồi
nào thì tôi không rõ, chắc là đã từ lâu lắm, và bộ Quốc-gia Giáo-dục của ta
cũng theo Pháp ; có thể nói rằng ở gần khắp thế giới, người ta đều theo
chính sách đó. Sở dĩ vậy có lẽ là vì một số nhà giáo đã lạm dụng cái quyền
đánh trẻ và gây nhiều sự xung đột giữa trường học và gia đình mà chính
quyền muốn tránh những sự rắc rối đó. Nhưng khi cấm đoán như vậy, rõ
ràng là chính quyền muốn trút bớt cái trách nhiệm đào tạo con em đi : chúng
hay hoặc dở là trách nhiệm của gia đình ; học đường chỉ khuyên bảo, phạt