khác hẳn : trong mười gia-đình chắc-chắn có sáu, bảy gia-đình mà chính
kiến của cha con, vợ chồng anh em đối chọi hẳn nhau.
Lại thêm, trẻ chịu ảnh-hưởng của gia-đình ít, mà chịu ảnh hưởng ở
ngoài thì nhiều. Ở thành-thị, người cha thường chỉ gặp con trong bữa cơm,
và mười người có lẽ không được một người bỏ ra mỗi tối một giờ chơi với
con và săn-sóc sự giáo-dục của chúng. Thành-thử cái bổn-phận dạy con hồi
xưa thuộc về người cha, ngày nay chuyển qua người mẹ. Mẹ lựa trường cho
con, mẹ tiếp-xúc với cô giáo của con, mẹ coi bài vở cho con, mẹ ký tên học
bạ của con… còn cha, năm thì mười họa có mở tập của con ra coi thì gắt um
lên : « Học hành như vậy hả ? Chỉ tại má mầy hết. Không biết dạy con. Tao
còn lo kiếm tiền nuôi tụi bay chứ thì giờ đâu ? ».
Mà ta phải nhận rằng ít người mẹ có đủ thì giờ và khả năng để dạy trẻ
và nhiều bà cho rằng con có chỗ ăn chỗ học là bổn phận của mình đã tròn.
Trong khi đó trẻ chịu biết bao ảnh-hưởng khác : ảnh-hưởng của bạn-bè, của
xã-hội, nhất là của báo chí, hát bóng và truyền thanh, truyền hình.
Tóm lại, vì uy tín của cha mẹ giảm đi, vì sự săn-sóc của cha mẹ không
kỹ-lưỡng, vì trẻ chịu nhiều ảnh-hưởng ở ngoài hơn là trong gia-đình, nên trẻ
thời nầy mang cái tiếng là khó dạy.
2. Phải thay đổi phương-pháp dạy trẻ
Sự thực, chúng có khó dạy không ? Tôi tin rằng không. Không phải
chúng khó dạy, mà tại chúng ta không biết dạy chúng. Tình-thế đã thay đổi,
hoàn-cảnh đã thay đổi, tâm hồn chúng đã thay đổi, mà cứ bo-bo giữ quan-
niệm cũ của ta, cứ muốn uốn nắn chúng theo mẫu-mực thời xưa, cứ bắt
chúng phải nén những ý-nghĩ, tình-cảm của chúng mà theo ta, phục tùng ta
một cách triệt-để thụ động, thì tất-nhiên ta phải thất bại. Cho nên ta cần xét
lại vấn-đề gia-đình giáo-dục.
Tôi biết, sẽ có nhiều bạn phản-đối bảo : « Chúng tôi phải « hàng »
chúng tới bực đó rồi ; ông còn muốn chúng tôi « quy thuận » chúng nữa
sao ? ».