sóc, tẩm bổ tới bực nào thì lớn lên cũng không sao lực lưỡng được. Trái lại,
một hạng trẻ khác, mới sanh đã nặng gần bốn kí lô, ngực nở, xương to. Hạng
trẻ đó sau tất thành những lực sĩ, mặc dầu sự doanh dưỡng không được hoàn
hảo. Ngoài ra, còn một hạng trẻ thứ ba hồi nhỏ cũng ốm yếu như hạng trẻ
thứ nhất, song tới tuổi dậy thì, chúng phát triển rất mau, to lớn, cao vọt lên,
chỉ trong ít năm, theo kịp hạng thứ nhì. Vì không hiểu tiết điệu đặc biệt của
các hạng trẻ, mà biết bao cha mẹ lo lắng khi thấy trẻ làm biếng ăn, và cố tìm
mọi cách ép trẻ ăn cho kỳ được. Ở Âu-Mỹ, người ta đã làm thống kê và thấy
80% trẻ trong các gia đình phong lưu đều biếng ăn, mà hầu hết đều bị người
lớn mỗi bữa mỗi nhồi cho đủ một lượng thức ăn nhất định. Họ tưởng rằng
con họ ốm yếu vì ăn ít, và nếu không bắt chúng ăn thì chúng sẽ đau, có biết
đâu rằng càng ép chúng, chúng càng sợ ăn, bộ tiêu hóa của chúng càng dễ bị
bệnh, còn như cứ để chúng tự do ăn uống đừng làm ngược lại với tiết điệu
phát triển tự nhiên của chúng, thì chúng lại mạnh khỏe.
Nuôi trẻ, ta phải theo bẩm chất của mỗi đứa mà dạy trẻ thì cũng vậy. Ta
không thể bắt con ta mười tuổi phải ngồi lớp nhất vì thấy con một ông bạn
mười một tuổi đã đậu tiểu học. Ta cũng không thể bắt con ta phải học y khoa
vì lẽ trong nhà ta đã ba đời làm thầy thuốc.
Tóm lại, ta phải tùy theo trẻ mà hướng dẫn, uốn nắn, chứ đừng bắt trẻ
phải theo ý muốn của ta ; phải nhớ rằng trẻ tuy là giọt máu của ta thật đấy,
nhưng không phải là ta, mà trẻ con lại cũng không phải là người lớn. Muốn
vậy ta phải hiểu những luật phát triển chung của tuổi thơ và hiểu bẩm chất
cùng tính tình riêng của mỗi trẻ. Vấn đề đó rất quan trọng và rất phức tạp,
cho nên tôi sẽ nghiên cứu riêng trong cuốn Tìm hiểu con chúng ta và chỉ xét
trong cuốn nầy những quy tắc chính về gia đình giáo dục và những cách sửa
vài tật thông thường nhất của trẻ em.
Nhưng trước khi qua chương sau, tôi xin nhắc lại những điểm cốt yếu
tôi vừa mới bàn :
- dạy trẻ là hướng dẫn trẻ, dự bị cho chúng vào đời, để mưu hạnh phúc
cho chúng và xã hội.