thời gian mới thấy rằng nguyên nhân chỉ do những trẻ đó thiếu sinh tố tình
yêu. Tức thì, trên mỗi cái nôi, người ta treo một tấm thẻ với hàng chữ : Mỗi
ngày phải âu yếm trẻ một giờ. Từ đó, các nữ điều dưỡng được quyền bồng
bế, hôn hít, nựng chúng, chuyện trò, chơi đùa với chúng. Kết quả hoàn toàn
thay đổi : trẻ bú nhiều hơn, mau lớn, vui vẻ và tinh anh hơn.
Bác sĩ Spitz đã quay một phim rất bổ ích cho các bà mẹ về các cách cho
trẻ bú : lúc thì người mẹ miễn cưỡng cho bú, lúc thì quạo quọ, lúc lại lo lắng
hoặc chán chường. Có khi mới cho bú thì giật ra một cách vội vàng, có khi
cứ cho bú một chút lại bắt trẻ ngưng… Những thái độ đó đều ảnh hưởng lớn
tới trẻ : trẻ kém bú, mất sức, xuống cân, tiêu hóa xấu, ụa, mửa… Óc của
chúng chưa hiểu được gì đâu, nhưng từng thớ thịt, từng mạch máu, từng sợi
gân của chúng đều cảm thấy rõ ràng rằng người ta không yêu chúng, chúng
không được yên ổn ; trọn cơ thể chúng khổ sở, mà màu mơn mởn trên má
chúng lần lần phai, nụ cười hồn nhiên trên môi chúng lần lần biến mất.
Cô Anna Freud cũng ghi chép minh bạch những kết-quả trong các nhà
dưỡng nhi. Cô bảo : Cách thức nuôi trẻ trong các nhà đó có lợi cho trẻ trong
năm tháng đầu : trẻ ít bệnh, mau lớn hơn trẻ trong những gia-đình thợ
thuyền. Nhưng từ tháng thứ sáu trở đi thì trẻ thua kém hẳn trẻ ở ngoài, kém
tinh nhanh, hoạt động. Qua năm thứ nhì, trẻ chậm nói hơn. Về tư cách thì
lớn lên chúng có bề ngoài lễ-phép, đàng hoàng, nhưng dù được dạy dỗ tận
tâm tới bực nào, chúng cũng là hạng mất gốc, không hơn hạng trẻ thiếu giáo
dục là mấy.
2. Không gì thay thế được gia-đình
Trong những nhà dưỡng nhi đó, trẻ không phải là hoàn toàn thiếu sinh-
tố tình yêu, vì cũng có những nữ điều dưỡng, những bà phước yêu trẻ như
con đẻ ; nhưng trẻ vẫn âm-thầm nhận thấy mình không phải là con của ai cả
; chúng vẫn khát khao cái không khí gia đình mà cái không khí đó, không có
gì thay thế nổi.