tai không ? » Nó cười cười cúi mặt xuống đáp : « Lâu quá rồi, làm sao cháu
nhớ được ? Bác chỉ được cái hay hỏi ! ».
Những nhà giáo-dục lý-thuyết bảo : « Nhất-định phải cấm ngặt những
hình-phạt về xác thịt trong sự giáo-dục ». Tôi hoan nghênh quy tắc đó lắm,
vì lúc này đây tôi còn rờn rợn khi nhớ tới cái dùi trống của cụ Ch. tới cái
thước kẻ bảng dày ba phân, rộng một tấc, dài hai thước của cụ T. ở trường
Yên Phụ cách đây trên ba chục năm ; nhưng xin bạn cho phép tôi ngờ rằng
chính những nhà giáo-dục đó thế nào cũng đã bạt tai các cậu các cô trong
nhà vài chục lần. Người ta cấm ngặt chẳng qua chỉ là để tránh sự thái quá.
Trong vấn-đề giáo-dục, ngoài quy-tắc trung dung và tùy thời – nghĩa là
tùy hoàn cảnh, tùy trẻ – không có quy-tắc nào là bất di bất dịch cả. Cho nên
ở một chương trên tôi khuyên bạn nên thận-trọng để ý đến sự phản ứng của
trẻ, đừng để cho chúng uất hận, mà ở đây tội lại bảo hình-phạt về xác thịt
không phải là luôn-luôn có hại. Chủ ý của tôi trước sau là một : tránh những
cực đoan.
Nhưng vẫn có những hình-phạt không nên áp-dụng ; chẳng hạn :
- bắt trẻ phải nhịn cơm, cách này tàn-nhẫn quá.
- bắt trẻ phải xin lỗi người khác trước mặt mọi người, một khi chúng đã
lớn và có lòng tự ái. Ta chỉ nên bảo trẻ : « Con hành-động như vậy là có lỗi
với bạn (hay với anh), mà khi mình đã nhận thấy lỗi của mình thì nên xin lỗi
người ta. Con suy-nghĩ đi, rồi chiều nay, hoặc mai, mốt, con lại giảng giải
với bạn con ».
Tôi lại khuyên bạn không nên phạt trẻ vì có đứa khác méc nó. Cái nghề
tình báo để phụng sự tổ-quốc là một nghề đáng trọng ; nhưng khi không phải
vì tổ-quốc mà làm tình-báo viên, thì lại chẳng đẹp chút nào cả. Vả lại, trong
nhà có độ bảy tám đứa trẻ mà nghe hết cả những lời chúng méc nhau, thì
lộn-xộn lắm. Cho nên ta phải cho trẻ biết rằng ta chỉ phạt chúng khi thấy
chúng có lỗi, chứ không khi nào ta nghe lời méc.
Chúng méc nhau ta đã ghét rồi, thì có lý nào lại bắt chúng tố cáo lẫn
nhau nữa ? Bắt không được thì phạt cả bọn. Thái-độ đó tôi cho không phải là