quan quá, đã chủ-trương thuyết « tính thiện » của Rousseau, và quên mất
những ảnh hưởng nhiều khi tai hại của di-truyền.
Một điều nữa tôi xin độc-giả lưu ý tới là tâm-trạng trẻ tùy theo xã-hội
trong đó chúng sống. Chẳng hạn tôi thấy phần đông trẻ con Âu-Mỹ tinh
khôn hơn, phóng túng hơn, mẫn cảm hơn và do đó dễ có mặc cảm hơn trẻ
con Việt ; mà ngay ở nước mình, trẻ con trong giới phong lưu ở thành thị
cũng không chất phác như trẻ con nông dân. Cho nên những phương-pháp
giáo-dục ở Âu-Mỹ không nên áp-dụng đúng ở nước mình.
Tóm lại, khi đọc chương nầy và những cương sau về nguyên-nhân và
cách sửa những tật của trẻ, theo quan niệm tân giáo dục, bạn nên nhớ hai
điều nầy :
- các nhà giáo-dục Âu Mỹ hiện nay vì hăng-hái đả phá phương-pháp
cũ, nên có thể cực-đoan.
- hoàn cảnh của nước mình khác hoàn cảnh của Âu, Mỹ.
Dưới đây, tôi xin xét trước những tật không quan trọng mấy, gần như
hoàn toàn do sinh lý, tức tật bú ngón tay, tật ở dơ, tật biếng ăn, tật sợ sệt.
2. Tật bú ngón tay
Từ trước, người ta cho tật bú ngón tay là một tật xấu phải trừng-trị một
cách nghiêm-khắc. Người ta ghê tởm cau mày, nổi giận, và nghĩ tới những
hậu quả tai hại của thói đó mà chẳng một ai biết chắc chắn hậu quả đó ra
sao.
Gần đây người ta đã nghiên-cứu thói bú ngón tay của trẻ và nghiên-cứu
luôn cả bản-năng bú của những loài có vú khi chúng còn nhỏ ; và phần-đông
công-nhận rằng nguyên-nhân thói bú ngón tay là do nhu cầu bú của trẻ
không được thỏa mãn. Ông David Levy, người Mỹ chuyên môn về vấn đề
đó thấy rằng những trẻ cứ ba giờ được bú một lần thì bú ngón tay ít hơn
những trẻ bốn giờ mới được bú một lần ; và những trẻ bú hai mươi phút đã
xong bữa vì lỗ ở núm vú cao-su lớn quá, thì luôn luôn bú ngón tay nhiều hơn