những trẻ bú hơn hai mươi phút mới xong bữa. Ông lại nuôi một bầy chó
con, không cho chúng bú mẹ, mà bắt phải uống sữa do ông đổ vào mõm.
Ngay từ những ngày đầu, những con chó đó mắc ngay tật bú và liếm ; chúng
liếm chân chúng tới rụng hết lông.
Ngoài nguyên-nhân đó hình như còn một nguyên nhân nữa : trẻ không
được âu yếm, vuốt ve cũng bú ngón tay nhiều hơn.
Dưới một tuổi, trẻ nào cũng có nhu cầu bú ngón tay hoặc đưa một cái gì
vào miệng để nút. Chúng thấy sung sướng lạ, nếu nhu cầu đó được thỏa-
mãn. Miệng của chúng không phải chỉ để ăn, mà còn là một cơ quan gây
khoái cảm ; cho nên gặp cái gì chúng cũng đưa lên miệng, cũng bú, cũng
cạp, khó mà ngăn cấm chúng được. Lớn lên thì khoái cảm đó bớt đi, và
chúng lần lần tự nhiên bỏ tật bú ngón tay.
Vậy bú ngón tay không phải là một tật. Nó là một nhu cầu của trẻ khi
chúng một tuổi ; chỉ khi nào trẻ năm, sáu tuổi mà còn bú ngón tay thì mới là
một tật. Ta không nên ngăn cấm nhu-cầu đó, mà trái lại phải làm thỏa-mãn
nó, cũng như phải thỏa mãn nhu cầu ăn, ngủ của chúng. Nhu cầu đó ở mỗi
trẻ một khác : đứa nhiều, đứa ít ; nhưng xét chung thì những trẻ nuôi theo lối
cổ, nghĩa là được mẹ cho bú liền mỗi khi chúng đòi ; rất ít khi có thói bú
ngón tay.
Do những nhận xét trên, các nhà bác-học rút ra được bài học dưới đây :
- Cho trẻ bú tùy thích một thời-gian lâu lâu trong mỗi bữa bú. Nếu như
vậy rồi mà trẻ vẫn bú ngón tay thì thu ngắn khoảng thời-gian giữa hai bữa
bú lại, chẳng hạn trước bốn giờ mới cho bú một lần, bây giờ ba giờ cho bú
một lần. Bà Anna W.M. Wolf còn bảo rằng cho trẻ bú theo lối cổ, mỗi khi
chúng đòi, chớ không đợi đúng giờ, có lẽ là cách hay hơn cả.
- Đừng hối trẻ trong khi chúng bú. Đợi chúng chán rồi mới rút núm vú
ra. Bữa ăn của trẻ, cũng như của người lớn, không phải là một việc làm cho
mau xong. Trẻ bú mà vui thích bao nhiêu thì tiêu hóa càng dễ bấy nhiêu.
Đừng bắt trẻ thôi bú sớm quá ; nên nhớ rằng nhiều đứa tám hay mười tháng,
chưa có thể thôi bú được. Và nên để chúng thôi bú từ từ, đừng ép chúng.