CHƯƠNG VI : TRẺ BƯỚNG-BỈNH, GIẬN-DỮ
1. Nhu cầu khuếch trương bản ngã và những hình thức của nó
Bướng-bỉnh, xấu tính, giận dữ là những cách biểu lộ, khuếch trương
bản ngã của trẻ, là những dấu hiệu tỏ rằng trẻ có tư-cách. Diệt hẳn những
tánh đó đi là điều không nên, vì lớn lên trẻ sẽ thành cục đất sét, ai muốn nặn
ra sao thì nặn, thiếu nghị-lực, sáng-kiến, nhân phẩm ; nhưng để cho những
tánh đó tha hồ phát triển, thì tai hại có phần còn hơn nữa : trận đại-chiến vừa
rồi chẳng cho ta thấy nguy cơ của nhân loại trước sự xâm lược hung dữ của
một số người muốn đè bẹp kẻ khác để làm chủ cả thế giới đó ư ? Khuếch
trương bản ngã là một luật tự nhiên, song ở giữa xã hội, sự khuếch trương đó
phải có giới hạn, và ta phải giúp trẻ hiểu giới hạn đó ở đâu, để đừng vượt nó.
Luyện cho trẻ tự chủ, đó là một mục đích của giáo-dục.
Dòng nước đương chảy mạnh, ngăn nó lại thì không được, phải sửa đổi
đường nước cho bớt thác, bớt ghềnh đã rồi mới đắp đập đào kinh ; muốn vậy
phải tùy theo luật của nước. Muốn sửa tánh bướng-bỉnh hung-hăng, giận dữ
của trẻ, ta cũng phải theo luật phát triển của trẻ.
Tất nhiên bẩm tính có đứa hiền, có đứa dữ, nhưng phần đông thì từ
mười tám tháng trẻ mới giậm chân, lăn dưới đất, đấm đá ; trợn mắt dọa nó,
lớn tiếng nạt nó cũng không công hiệu bằng cứ điềm nhiên lượm nó lên như
lượm một bao quần áo.
Hai tuổi rưỡi, trẻ kháng cự lại nếu có ai phá chúng trong khi chúng
chơi, hoặc rờ vào đồ chơi của chúng. Nó đã dữ hơn trước nhiều, có thể đập,
xé, đánh trẻ khác, cắn nữa.
Ba tuổi, tính tình nó dịu hơn, hình như nó đã biết tự chủ được một chút.
Nó đã phản đối bằng miệng nhiều hơn bằng võ lực, và ta nên nhớ rằng nó
chưa hiểu hết nghĩa những tiếng chúng dùng đâu. Chẳng hạn nó bảo bạn : «
Tao chặt đầu mầy », thì hai chữ « chặt đầu » đó đối với chúng không có
nghĩa như người lớn chúng ta hiểu. Đành rằng như vậy là nó dữ, nhưng