những lời đáp vượt ra ngoài khuôn khổ bình thường và nghĩ về
những thế giới khác nhau.
Bạn hãy lưu ý những gì đã diễn ra trong ba giai đoạn phát triển
của bé Carol khi vui chơi. Cô bé đi từ việc đối xử như nhau với mọi
đồ vật (thường là đưa vào miệng) đến đối xử với chúng khác
nhau, tập khám phá những đặc tính riêng của chúng. Sau đó, cô
bé đã cư xử khác nhau với đồ vật dựa trên chức năng của từng thứ
(biết cầm búa đúng cách, biết dùng búa đúng chức năng, biết
nhấn nút để gọi điện thoại). Cuối cùng, em biết hình dung những
đồ vật này tượng trưng cho những đồ vật khác (khi em dùng điện
thoại để làm con búp bê, dùng cái búa làm chăn đắp).
Bây giờ, sau khi phác họa bức tranh về những thay đổi mà bạn dễ
dàng quan sát ở con mình khi bé vui chơi, chúng tôi cần biết liệu
những thay đổi đó có ý nghĩa gì. Chúng tôi đã nói về những lợi ích
của việc vui chơi và vì sao vui chơi lại quan trọng đối với sự phát
triển của trẻ. Song chúng tôi cần đào sâu thêm một chút ở đây và
nói về những hình thức vui chơi khác nhau (tất cả những ví dụ
vừa nêu trên của chúng tôi đều là các trò chơi một mình giữa trẻ
với đồ vật), những lợi ích về tình cảm từ vui chơi và những điều
phụ huynh có thể đóng góp cho việc vui chơi của trẻ.
VUI CHƠI VỚI ĐỒ VẬT CÓ LỢI CHO SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
KHÔNG?
Khi chơi một mình cùng các đồ vật, khám phá các đồ vật., trẻ sẽ
hiểu được những điều cơ bản về cách vận hành của thế giới xung
quanh. Đó là cơ hội để trẻ tự làm thí nghiệm và tìm tòi những gì
đồ vật có thể làm và không thể làm. Có những thứ trẻ cần tự
khám phá, nhưng cũng có nhiều thứ trẻ có thể học hỏi bằng cách
quan sát người khác làm với những đồ vật đó.
Trẻ con không ngừng khám phá thế giới đồ vật xung quanh.
Chúng giống như những nhà khoa học nhí luôn tìm cách thử
nghiệm những đặc tính của vật chất. Dù còn bé, trẻ vẫn làm
những thí nghiệm như “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình buông cái
lục lạc ra nhỉ? Nhìn kìa! Nó rơi xuống sàn.
Nhìn kìa! Nó rơi xuống lần nữa. Có phải lần nào nó cũng rơi xuống
như thế không nhỉ? Để xem nhé!”.
208