mốc quan trọng cần chú ý. Nếu trẻ được 24 tháng tuổi mà không
nói một tiếng nào và đến 2 tuổi rưỡi vẫn chưa biết nói câu gồm có
hai từ thì bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra. Bạn cũng cần lưu
tâm khi trẻ không nhìn vào mắt bạn khi bạn nói và tỏ vẻ xa cách.
Nếu quả thật trẻ có vấn đề thì bạn nên can thiệp càng sớm càng
tốt. Việc đầu tiên cần làm là cho trẻ kiểm tra thính giác và tư vấn
với bác sĩ nhi khoa.
VAI TRÒ ĐỒNG HÀNH CỦA BỐ MẸ
Đến đây, bạn đã hiểu rõ quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ chẳng
kém gì các nhà nghiên cứu. Đây là quá trình trẻ vừa học hỏi từ
bên ngoài vừa phát triển nội tại mà chúng ta không thể quan sát
thấy. Vậy vai trò của cha mẹ, thầy cô trong quá trình này là gì?
Nếu tự thân trẻ có thể phát triển nhiều như thế thì liệu chúng ta
có thể giúp gì cho trẻ? Chúng tôi đã cho bạn thấy vì sao bạn
KHÔNG CẦN dạy trẻ học nói. Song, bạn CẦN PHẢI đóng vai trò
người bạn đồng hành với trẻ bằng cách gợi mở, cùng trẻ phát
triển nội dung câu chuyện. Chúng ta càng trò chuyện với trẻ thì
trẻ càng có thêm dữ liệu để phân tích, xây dựng nền tảng ngôn
ngữ.
Gợi mở để trẻ tiếp tục chia sẻ
Những nhà khoa học như giáo sư Erika Hoff tại Đại học Florida
Atlantic đã dành rất nhiều thời gian để quan sát mối quan hệ giữa
cha mẹ và con cái khi trò chuyện, ăn uống, chơi đùa… và mức độ
tinh tế của trẻ khi dùng ngôn ngữ sau đó. Ở những gia đình cha
mẹ hay khuyến khích con cái nói chuyện, đặt thêm câu hỏi và gợi
mở để con cái tiếp tục chia sẻ…. thì trẻ thường phát triển ngôn
ngữ nhanh hơn. Có thể bạn sẽ tự hỏi phải làm điều này như thế
nào. Hãy so sánh cách dạy con của hai người mẹ Mary và Jamie
khi họ trò chuyện với đứa con 3 tuổi trong bữa cơm tối. Cả hai có
trình độ học vấn, mức thu nhập tương đương nhau.
Trẻ: Con muốn ăn thêm bánh mì.
Mary: (trao bánh cho bé) Đây con!
Trẻ: Mmmm.
Mary: Thêm nữa hả con?
85