Chương 6
M
ột mùa thu khác, không phải mùa thu của Chủ nhật ở Tremblay năm ấy,
một mùa thu cũng hết sức xa xôi, Daragane nhận được một lá thư, trên
quảng trường Graisivaudan. Ông đi ngang qua trước phòng người gác cổng
đúng lúc bà chuẩn bị phát thư.
“Tôi nghĩ chính là anh, Jean Daragane.” Rồi bà chìa cho ông một lá
thư, tên ông được viết bằng mực màu xanh lơ trên bì thư. Ông chưa bao giờ
nhận được thư về địa chỉ này. Ông không nhận ra nét chữ, một nét chữ to
cộ choán hết cả phong bì: Jean Daragane, số 8, quảng trường Graisivaudan,
Paris. Không còn chỗ để ghi số quận. Đằng sau phong bì có một cái tên và
một địa chỉ: A. Astrand, số 18, phố Alfred-Dehodencq, Paris.
Cái tên này chẳng gợi nhắc ông điều gì suốt một lúc lâu. Là do chữ
“A” viết tắt đơn giản đã giấu mất cái tên? Sau này, ông tự nhủ mình từng có
linh cảm nào đấy vì ông đã lưỡng lự mở thư ra. Ông đi bộ đến tận vùng
giao giữa Neuilly và Levallois, hai hay ba năm sau đó ở vùng này, người ta
phá hết các gara và những ngôi nhà thấp để xây đường vành đai.
ASTRAND. Sao đúng vào giây phút ấy ông lại không hiểu ra đó là ai nhỉ?
Ông quay bước đi vào quán cà phê dưới chân một trong mấy tòa nhà.
Ông ngồi xuống, lấy lá thư ra khỏi túi, gọi một cốc cam ép, và nếu có thể cả
một con dao. Ông dùng dao mở thư vì sợ nếu xé bằng tay sẽ làm rách địa
chỉ ghi đằng sau phong bì. Phong bì chỉ đựng ba tấm ảnh chụp tự động.
Trên ba tấm ảnh đó, ông nhận ra mình, hồi còn nhỏ. Ông vẫn nhớ buổi
chiều hôm chụp mấy bức ảnh, trong một quầy, đi quá cầu Saint-Michel, đối
diện với Palais de Justice. Từ đó, ông thường xuyên đi ngang qua quầy ấy,
chính xác là cái quầy ngày xưa.
Ông phải tìm lại ba bức ảnh chụp tự động đó để so sánh chúng với tấm
ảnh phóng to nằm trong “hồ sơ” của Ottolini. Có thể là trong cái va li chất
đống thư từ giấy tờ cách đây ít nhất cũng phải bốn mươi năm và không may
ông đã đánh mất chìa khoa chăng? Vô ích thôi. Vẫn là mấy bức ảnh ấy.