Nàng chỉ mơ hồ nhận thấy biến chuyển của phong trào qua những cuộc hội
họp, đổi thay ở xã địa phương, những tấp nập của dân làng kéo đi mít-tinh,
biểu tình xuống tỉnh, những buổi tập dượt quân sự của thanh niên nam nữ,
biến thành tự vệ, dân quân. Và những đoàn thể phụ lão, thanh niên, thanh
nữ, thiếu nhi cứu quốc xuất hiện đồng thời với nhiều danh từ mới mẻ.
Bao nhiêu biến đổi ấy, Lệ nghe ông Hầu kể lại, vẳng đến tai nàng như
những vang bóng của một cuộc sống đang đảo lộn mà Lệ đã bị gạt qua một
bên lề.
Lệ nóng lòng trở về Hà Nội, mong tin tức nhà chồng, song chưa biết cách
nào liên lạc được. Một hôm, theo lời yêu cầu của Lệ, ông Hầu nhờ một
người trong họ xuống qua nhà cụ Thượng Ngô ở Phú Cam, lúc trở về cho
hay là thấy có tự vệ canh gác ở cửa, nên không dám vào.
Lệ muốn viết thư cho chồng và ông bà Trạng Trần Văn Chương ở Hà
Nội, song lại sợ thư từ bị kiểm soát, rồi lộ tông tích, nên không dám gởi đi.
Trong cảnh sống cô lập, lo buồn, hồi hộp kéo dài, Lệ đâm ra chán ngán, đôi
khi muốn nảy ra ý tưởng cải trang đánh liều ra đi, phó mặc cho may rủi.
Ông Hầu phải khuyên can, nói rõ những nguy hại có thể xảy ra mới làm
cho Lệ thôi tính chuyện liều lĩnh.
Song những ngày đêm chờ đợi nặng nề, dài dặc đối với Lệ cũng như
những tháng năm tù hãm dồn ép khiến nàng chỉ nghĩ đến sự ra đi.
Lệ bày ra bói bài tây, nhờ ông Hầu giải lá số tử vi, xem tướng, đoán coi
tương lai vận mạng ra sao rồi nàng ra di có bị trắc trở gì không.