Dưới mắt hoạ sĩ, ban đầu Lệ chỉ là một người mẫu tượng hình cái đẹp, tươi
sáng, dậy thì của một thiếu nữ cũng như mẹ Lệ đã ngồi cho chàng vẽ chân
dung của một người đàn bà quý phái. Nhưng Lê Phổ có một thói riêng, đã
thành như cố tật: mỗi lần vẽ về một người đẹp thế nào chàng cũng tìm cách
chiếm đoạt xác thịt người mẫu.
Trạng thái dị thường ấy, hoạ sĩ đã giải thích qua lời thú nhận tâm sự:
- Tôi thấy cần phải chiếm lấy người đẹp, sau khi hoạ xong, mới giải thoát
được sự đam mê đốt cháy trong lòng mình. Nếu không được thoả mãn trọn
vẹn như thế, dễ thường tôi đến hoá điên mất…
Cuộc luyến ái diễn ra trong suốt thời gian Lê Phổ vẽ bức tranh. Lệ không
yêu, song người bạn tình từng trải đã để lại cho nàng một cảm giác say sưa
cuồng nhiệt. Nhiệt tình ấy, Lệ không tìm thấy ở người chồng cưới nàng một
tháng sau.
Tiếng sét ái tình đã tạo nên cuộc hôn nhân chính thức giữa Ngô Đình Nhu
và Trần Lệ Xuân.
Cậu ấm - con cụ Thượng xứ Huế, lớn lên suốt ngày chỉ biết vùi đầu trong
sách và tối đến đọc kinh trước khi đi ngủ sớm để sáng mai dậy đi lễ năm
giờ, chưa dám biết mùi vị đàn bà là gì, vì nhút nhát và sợ phạm đến điều
răn thứ sáu - đã gặp Lệ trong buổi khiêu vũ của bà Trạng Trần tổ chức ở
biệt thự mỗi tối thứ bảy, và yêu Lệ ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy.
Đình Nhu ngồi ở góc phòng, trước một ly nước ngọt, cảm thấy tất cả sự
thua kém hào hoa của mình với chung quanh. Không biết nhảy, trong khi
khiêu vũ là phong trào của giới thượng lưu, không biết tán tỉnh, nịnh đầm,