Hoa Nam, được các đồng chí liên lạc cho hay những nỗi khó khăn của
Trương Phát Khuê, mới đề nghị với vị tướng này là nếu được trả lại tự do,
lãnh tụ cộng sản Đông Dương sẽ tổ chức cho Trùng Khánh một hệ thống
gián điệp ở Bắc Việt để chống Nhật. Tướng Trương nghe xiêu lòng, song e
ngại tiếng tăm cộng sản quốc tế của ông Nguyễn Ái Quốc không được
Trùng Khánh chấp nhận nên đề nghị với ông Nguyễn Ái Quốc thay đổi cả
tên họ. Từ đấy họ sẽ gọi là Hồ Chí Minh. Rồi tướng Trương báo tin cho
Thống chế Tưởng Giới Thạch hay là đang có ở dưới trướng một tay chiến
sĩ cách mạng Việt Nam rất có khả năng, xin nhận lãnh tổ chức do thám và
quấy rối Nhật ở Đông Dương.
Ở Trùng Khánh không một ai biết ông Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc và
chính phủ Trung Hoa chấp thuận. Tháng hai năm 1943, được trả tự do, ông
Hồ Chí Minh được chính thức cử làm lãnh tụ Việt Nam Cách mạng đồng
chí Hội.
Giữa thời kỳ ấy, để phòng ngừa dân miền Bắc nổi dậy, Pháp tung đám tay
sai đi khắp nơi vơ vét hết thóc gạo tải về tập trung ở các kho dự trữ riêng,
lấy cớ là để tiếp tế cho quân đội Nhật Bản. Hết ép buộc mua rẻ của dân
quê, Pháp lại vãi tiền ra mua thóc, ngô bằng một giá cao để thu cho kỳ sạch
ngũ cốc hiếm hoi của miền Bắc. Gạo Nam Kỳ thì không được đưa ra Bắc,
lấy cớ là phi cơ đồng minh ngày đêm không ngừng bắn phá tàu bè, ghe
thuyền, còn đường xe lửa xuyên Đông Dương thì Pháp dành cho Nhật
chuyên chở quân sự.
Lúa thừa ở miền Nam chất chứa đầy kho, Pháp đem đốt thay than củi ở các
nhà máy điện. Dân quê ở Bắc khởi sự chết đói từ cuối năm 1944. Mùa lúa
tháng mười lại bị thất bát. Người có tiền ở thôn quê cũng đành nhịn ăn, vì
thóc gạo đã bị lấy sạch, tại thành phố, mỗi khẩu phần người Việt đều phải
ăn gạo "bông", ở trong tay chính quyền Pháp phân phát rất hạn chế.