thể là con của thần linh được. Shiratori kinh hoàng phải báo cáo vụ này lên
các cố vấn triều đình, rồi Hoàng thân Saionji liền được ủy nhiệm tới thuyết
phục ông. Triều đình đã chọn lầm người, vì chính hoàng thân Saionji cũng
nghi ngờ cái thuyết Thái Dương Thần Nữ liền sáng tác ra một giải pháp
dung hòa. Hirohito nên giữ riêng cho mình sự nghi ngờ đó, và không nên
đảo lộn quan niệm của dân chúng và hoàng tộc. Như vậy, đời sống xã hội
Nhật vận được duy trì như cũ và dân chúng vẫn có thể tôn thờ Thiên Hoàng
và nhìn thấy ở Thiên Hoàng một cứu cánh chung cho cả dân tộc. Hirohito
chấp nhận giải pháp đó để tránh làm đắm con tàu quốc gia. Nhưng từ đó,
ông dành nhiều thì giờ cho ngành hải dương sinh vật học hơn là dành cho
các giáo sư của ông, và về sau ông nổi tiếng quốc tế trong ngành khoa học
nầy.
Trong thời gian còn là Đông Cung Thái Tử, ông đã làm cho phe bảo thủ
trong hoàng triều phải bất mãn vì ông đòi đi du lịch Âu châu. Từ xưa tới
nay, người ta chưa hề thấy một Đông Cung Thái Tử Nhật xuất ngoại bao
giờ. Bất chấp những lời phản đối, ông đi thăm Luân Đôn, Ba lê, La Mã.
Ông kinh ngạc về cuộc sống của dân Tây phương và thích thú được kết giao
với Đông Cung Thái Tử Anh Cát Lợi.
Hai năm sau, ông trở về với cái thế giới đóng kín của ông tại Hoàng
cung và thành hôn với quận chúa Nagako sau năm năm đính hôn. Trong
năm năm đó, ông chỉ gặp Nagako có chín lần, và cuộc đính hôn đó đã gây
nên một cuộc chiến tranh lạnh trong triều đình giữa những người nuôi tham
vọng được làm bố vợ ông. Mặc dầu bị nhiều người bôi nhọ, nhưng Nagako
vẫn có được lòng chung thủy của ông, nên họ cử hành lễ cưới vào ngày 26
tháng Giêng 1924.
Không đầy hai năm sau, vào lễ Giáng Sinh năm 1926, Hirohito trở nên
ông vua thứ 124 của Nhật Bản. Cha ông là vua Taisho mắc bệnh điên trong
suốt thời gian trị vì, đã qua đời không để lại cho ai một chút nhớ thương
nào.