thống nhất lập trường vẫn không thực hiện được. Sáu bộ trưởng tán thành
hòa bình với điều kiện duy trì quy chế hiện tại của Nhật Hoàng. Tướng
Anami, tướng Umezu và đô đốc Toyoda, ngoài điều đó còn đòi hỏi thêm ba
điều nữa; Nhật Bản phải được quyền xét xử những phạm nhân chiến tranh
của mình, Nhật Bản phải được quyền giải pháp quân lực của mình ở chiến
trường, Hoa Kỳ không được quyền chiếm đóng lãnh thổ chính quốc Nhật
Bản. Họ đòi hỏi hai điều cuối cùng để tránh những va chạm giữa bên thắng
và bên bại. Năm vị bộ trưởng kia chủ trương hòa bình với ít nhiều thay đổi
ba điều khoản do Anami, Umezu và Toyoda đề ra.
Trong khi Thủ tướng Suzuki tiếp tục diễn tả lại những cuộc bàn cãi bế
tắc trong ngày thì tướng Anami ngồi giương mắt trừng trừng. Từ lúc bước
chân vào phòng họp trông thấy bá tước Hiranuma là ông đã nổi nóng.
Nghiêng mình về phía Umezu, ông thì thầm: «Hiranuma vô phận sự ở chỗ
này. Họ đang muốn chơi gian, bọn mình phải cương quyết». Umezu cũng
trừng mắt nhìn kẻ vô phận sự già lão ngồi phía bên kia bàn, và ngỏ ý tán
thành.
Sau những lời mở đầu đó, Suzuki yêu cầu ngoại trưởng Togo cho biết ý
kiến. Togo đứng lên, cúi đầu về phía Nhật Hoàng rồi lên tiếng. Ông nói:
«Thật là một sự nhục nhã phải chấp nhận tuyên ngôn Potsdam, nhưng
chúng ta lâm vào tình trạng không thể không chấp nhận».
Thỉnh thoảng lại nhìn vào giấy tờ ông vạch rõ: chỉ có điên mới ngồi yên
trong khi Nhật Bản cháy đến chân tường. Đôi mắt kính của ông sáng ngời
lên lúc ông hùng hồn kết luận: «Chúng ta phải chấp nhận tuyên ngôn
Potsdam với điều kiện độc nhất là duy trì qui chế của Nhật Hoàng». Rồi
ông ngồi xuống.
Suzuki mau lẹ chiếm lấy sự im lặng để yêu cầu đô đốc Yonai cho biết ý
kiến. Viên đô đốc có đôi mắt như mê ngủ đó không buồn đứng dậy. Mắt vẫn
nhìn thẳng ông điềm tĩnh nói: «Tôi hoàn toàn đồng ý với ngoại trưởng».