Các Hoàng đế thời nay – chúng ta gọi họ là những người có tầm
nhìn xa – dựa vào cách thức quản lý mới, không hoàn toàn khác biệt
với cách thức quản lý cũ nhưng có thêm một số đặc trưng mới: thứ
nhất, đó là ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật giúp
chúng ta giảm bớt thời gian thực hiện công việc; thứ hai, đó là kết
quả của việc áp dụng tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp chúng ta giảm
bớt nhân lực thực hiện công việc.
Không có gì khó hiểu khi các Nhà quản lý thời hiện đại cảm thấy
buồn chán.
Khi không còn phải lao động chân tay, Nhà quản lý trở thành “tay
sai” của các “Hoàng đế”. Họ đối mặt với thách thức này bằng một
thái độ nghiêm túc. Họ mua sách kinh tế và quản lý do các nhà tư
vấn và học giả viết. Họ tham gia các khóa đào tạo, các buổi thảo
luận và hội thảo, để được tán dương là những chuyên gia mới của thế
kỷ XX. Giống như bác sỹ, luật sư và giới tăng lữ, các Nhà quản lý
cũng cảm thấy mình đóng góp một phần to lớn cho xã hội, và kinh
doanh đã nhanh chóng trở thành một thứ tôn giáo mới. Họ gán cho
nơi làm việc những từ như “văn hóa doanh nghiệp.” Họ bàn về
“chất lượng”, “giá trị cốt lõi”, và “sứ mệnh”. Họ nói về việc sáng tạo
ra “linh hồn” của doanh nghiệp. Họ nói về “tinh thần” và “ý
nghĩa”, và giao phó ước mơ của mình cho cấp dưới thực hiện. Họ học
hỏi tinh thần lãnh đạo và học cách phân biệt mình – Nhà quản lý
xuất chúng – với các Nhà quản lý bình thường khác. Họ coi tất cả
đều là khoa học. Rằng nhà lãnh đạo là do đào tạo mà thành chứ
không phải do bẩm sinh. Rằng anh có thể học bảy kỹ năng cần
thiết hay sáu thói quen hiệu quả, hay mẹo để trở thành Nhà quản lý
trong một phút. Họ lắng nghe chăm chú, và học hỏi mọi mưu mẹo,
nhưng mọi thứ vẫn như cũ, bởi Nhà quản lý – và những chuyên gia,
những người giảng dạy – mới chỉ chữa triệu chứng chứ chưa chạm tới
căn nguyên của vấn đề.