phúc, cũng như không thể làm tốt công việc. Đây chính là lúc cần
tới Mục tiêu chiến lược. Mục tiêu chiến lược của Nhà quản lý phải
kết hợp nhuần nhuyễn Mục đích chính của Nhà quản lý với Mục
tiêu chiến lược của doanh nghiệp, bởi vai trò của Nhà quản lý trong
doanh nghiệp là phát triển công việc kinh doanh để thực hiện tầm
nhìn của doanh nghiệp. Với tư cách là một Nhà quản lý hiệu quả, anh
có trách nhiệm hiện thực hóa mục tiêu đó, biến tầm nhìn của Chủ
doanh nghiệp thành hiện thực.”
Jack lắng nghe chăm chú.
Tôi tiếp tục. “Cách duy nhất để đánh giá chính xác được anh
đang ở đâu trên con đường sự nghiệp của một Nhà quản lý là hãy nhìn
vào doanh nghiệp – dưới các góc độ công việc, thời gian, tài chính,
nhân lực, sản phẩm, đạo đức, văn hóa – và đánh giá xem chúng có
phù hợp với quan điểm của anh không. Khao khát trở thành người
giống như trong Mục đích chính đã miêu tả sẽ giúp anh tỉnh táo để
lựa chọn. Năng lực lựa chọn không chỉ là quyền mà còn là trách
nhiệm của anh. Thoạt đầu, nghe có vẻ lạ lùng, đó là bởi hầu hết
các Nhà quản lý đều không có thói quen lựa chọn công việc một cách
sáng suốt.”
“Mục đích chính của Nhà quản lý hiệu quả được xây dựng trên mục
đích tự thân, giúp Nhà quản lý thiết lập những tiêu chuẩn bên trong,
làm cơ sở cho tất cả các quyết định. Còn Mục tiêu chiến lược của
Nhà quản lý hiệu quả sẽ giúp anh có tiêu chuẩn bên ngoài nhằm
đánh giá các phương tiện để theo đuổi Mục đích chính. Trong quá
trình xây dựng Mục tiêu chiến lược, anh cần tự hỏi mình xem
những gì anh đặt ra trong Mục đích chính có thực sự là những điều
anh muốn, liệu doanh nghiệp này, môi trường này, mối quan hệ
này có thể là phương tiện giúp anh đạt được mục tiêu của mình?”