cao nắm tay đeo găng trắng. Mãi sau này tôi mới tìm cách gặp bà tại nhà
riêng của bà ở Srinagar. Bà cao chưa được đến một mét tư và từ đầu đến
chân trùm kín trong tấm mạng đặc trưng của mình. Bà kể với tôi là bà trở
thành một tín đồ cải đạo theo Hồi giáo vào năm 1986, khoảng thời gian bà
cảm thấy trầm cảm và bị cản trở vì gia đình cấm bà không được học cao học
ngành hóa sinh ở Pune. Tham vọng không được thỏa mãn quả là một thứ
nguy hiểm.
Bà bắt đầu hoạt động tích cực ngay sau khi ra trường vào năm 1987,
bằng việc xóa hình những nữ diễn viên Bollywood trên các tấm poster được
dựng lên hàng tuần ở Srinagar và đâu đó trong thung lũng. Bà cũng vận
động để phụ nữ có băng ghế riêng trên những chiếc xe buýt đông nghẹt
người. Sau đó, bà tham gia vào chương trình nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo
tại Đại học Kashmir. Bà nói về gia đình gia giáo và trung lưu lớp trên của
mình. Thật sự là, tôi đã choáng ngợp với hàng trăm quyển sách, kể cả sách
của Noam Chomsky, Edward Said và bản copy cuốn Bhagavad Gita trên
nhiều kệ sách trong phòng khách của bà. Đầu những năm chín mươi, bà
Andrabi đã kết hôn với chỉ huy của nhóm Hizbul Mujahideen, người đã bị
cầm tù nhiều năm ròng. Bà cho rằng việc lập gia đình với người theo nghĩa
quân là một vinh dự, bất chấp những khó khăn kèm theo nó, và đã đặt tên
cho con trai mình là Mohammed bin Qasim, theo tên của một vị tướng Ả
Rập thời trung cổ đã xâm chiếm Ấn Độ. Khi chúng tôi trò chuyện vào trưa
hôm ấy, bà Andrabi cằn nhằn về sự phổ biến của truyền hình cáp và thừa
nhận là có rất ít phụ nữ Kashmir theo bà.
Những cách áp dụng khắt khe đạo Hồi tiếp tục thất bại ở Kashmir.
Trong một lần về thăm quê, một đứa em họ kể cho tôi nghe về thằng con trai
lớn của một ông thầy từng là lãnh đạo một nhóm Salafist tại làng tôi từ khi
tôi còn nhỏ. Thằng bé đó học chung với em họ tôi. Ai cũng biết việc người
ta nuôi dạy con cái theo kiểu khắt khe là như thế nào. Trong nhiều năm trời,
bọn trẻ đã vâng lời, nhưng khi trưởng thành, chúng sẽ nổi loạn. “Nó làm trò
hề trong trường. Nó đuổi theo tụi con gái, phóng xe như điên và tụi em gọi
nó là Cầu vồng,” thằng em họ tôi nói vậy. Tôi thắc mắc cái tên đó và hỏi nó