quân. Nhưng ai mà biết chắc được?” Rồi ông quay về hướng đền thờ trên
đỉnh đồi và giơ hai tay lên cầu nguyện. “Ôi! Thánh Zainuddin ơi! Xin hãy
làm người hòa giải với Đấng tối cao! Hãy cầu xin Ngài thương xót những
con người này!”
Vì muốn làm nhẹ bớt bầu không khí đó, tôi nhắc ông một chuyện cũ
từng làm ông cười. Một trong những cái tên mà người Hồi giáo dùng cho
Thượng Đế là Noor (Ánh sáng thiêng liêng). Một giáo sĩ già với gương mặt
hồng hào và bộ râu trắng toát ở đền thờ của làng Aishmuqam cũng được gọi
là Noor. Khi còn bé, tôi được đi theo Ngoại và ông Kallu đến làm lễ cầu
nguyện ngày thứ Sáu ở ngôi đền lộng lẫy đó. Mớ kiến thức nhỏ nhặt về tôn
giáo dạy tôi rằng đền thờ là nhà của Thượng Đế. Noor đang thuyết pháp. Tôi
tưởng ông là Thượng Đế. Sau buổi cầu kinh, tôi thấy Noor đi cùng một con
đường với mình. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi ông Kallu, “Tại sao Thượng Đế
lại đi cùng đường với chúng ta?”
“Lúc đó cháu chừng sáu tuổi thôi. Đó là những ngày rất hạnh phúc. Ta
với ông ngoại của cháu kể chuyện đó cho bạn bè nghe, còn ông Noor tội
nghiệp thì rất xấu hổ.” Ông ấy mỉm cười và nói, “‘Thượng Đế’ đó của cháu
đã chết rồi.”
Allah-o-Akbar! Ashadu An la ilaha illalah! (Thượng Đế vĩ đại! Không
có Thượng Đế nào khác, ngoài Ngài!)
Tiếng gọi nhắc nhở tín đồ cầu nguyện buổi trưa lan xuống như làn
sương từ trên đền thờ phủ lên những mái nhà tôn lô nhô trên đồi. Mùi bánh
mì mới ra lò đựng trong các chiếc giỏ đan bằng liễu gai của tiệm bánh và
mùi những bọc gia vị đặt trước các cửa tiệm vây lấy tôi khi tôi leo lên những
bậc thang bằng đá dẫn đến đền thờ. Mỗi khi xuân về người ta lại tụ tập ở đây
để dự một hội chợ thường niên ăn mừng hết đông và bắt đầu mùa gieo trồng
mới. Hàng trăm người đàn ông, đàn bà và trẻ em sẽ cùng đốt những bó đuốc
(những nhánh thông khô cột vào một cành dương liễu) và khiêm nhường
đứng gần tường bao giống như pháo đài và trong cái sân lát đá cuội của đền
thờ. Cổng vòm bằng gỗ của đền thờ được khắc chữ văn hoa. Những cửa sổ
lưới mắt cáo và mái nhà màu xanh có hình dáng như của một ngôi tháp được