lòng vòng trong thị trấn của ông ta vào ban đêm và đã bị một toán tuần tra
bắn chết. Trong những cuộc điện thoại về nhà và những chuyến thăm nhà
trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, chúng tôi còn nghe và nhìn thấy nhiều
thảm cảnh hơn nữa. Một trong những ngày ấy, trong một chuyến đến thăm
nhà một người bạn ở thị trấn Bijibehara lân cận, tôi đã dừng lại gần một
nghĩa trang, nơi chôn cất không biết bao nhiêu người biểu tình bị giết sau
khi lực lượng bán quân đội nã đạn vào một cuộc diễu hành. Tuổi khắc trên
bia mộ của hầu hết những người đã chết là mười tám.
Tôi nghe thấy âm vang Kashmir trong những trang sách của
Hemingway, Orwell, Dostoyevsky và Turgenev, trong số những nhà văn tôi
đọc. Tôi quay về với Hemingway và bắt đầu đọc lại Giã từ vũ khí. Ông viết
về một cuộc chiến tranh xa xăm như thế mà tôi lại nhìn thấy Kashmir trong
từng câu chữ của ông. Người kể trong truyện của Hemingway, Frederick
Henry, một tài xế Mỹ lái xe cứu thương cho người Ý, nói về hỏa lực như thế
này: “Tôi không thể thấy những khẩu súng nhưng rõ ràng chúng đang bắn
thẳng về phía chúng tôi.” Nó nhắc tôi cái ngày tôi phải trốn chạy sang làng
bên cùng với gia đình sau khi nghĩa quân tấn công những toán lính quân đội
trong khu vực làng chúng tôi. Sau đó trong cuốn tiểu thuyết, khi nữ y tá
người Anh Catherine Barkley nói với Henry rằng vị hôn phu của cô đã bị nổ
tan xác và tiểu đội của anh ấy đã đưa cho cô cây gậy bọc da mà anh đã mang
theo, tôi nghĩ đến việc những nhóm nghĩa quân ở Kashmir đã gửi bản sao
của kinh Koran cho gia đình của các nghĩa quân bị giết.
Khi tôi tình cờ bắt gặp một bản sao cũ cuốn Suy tôn xứ Catalan của
George Orwell qua sự pha trộn giữa cá nhân và con người chính trị, giữa
những chi tiết nhỏ và những ý tưởng lớn, qua kiểu văn xuôi rời rạc nhưng
đầy khí chất của tác giả, trong tôi lại dấy lên nỗi ám ảnh. Suy tôn xứ Catalan
làm gợi nhớ trong tôi biết bao ký ức về Kashmir và làm cho tôi tin rằng một
ngày nào đó việc viết một tác phẩm tương tự về cuộc chiến của riêng tôi là
có thể. Tôi nhìn thấy những bức tường của các thị trấn Kashmir khi đọc
những trang viết của Orwell về Barcelona trong giai đoạn nổi dậy chống
phát xít năm 1936: “Những bức áp phích về cuộc cách mạng có mặt khắp
nơi, rực cháy trên các bức tường trong những màu xanh, màu đỏ trong vắt,