như muốn níu màn đêm ở lại. Trên sông Seine, một chiếc tàu lai dắt cất
tiếng hụ rền rĩ như con quái vật. Ta rùng mình run rẩy. Mãi mãi, từ đây
ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy ấm nóng trong huyết quản và da thịt mình
nữa...
Hai tay đút túi, tì trán vào vách kính của gian phòng, bác sĩ Simon
nhìn Paris đang bắt đầu một ngày mới.
Đó là một người đàn ông ba mươi hai tuổi tóc nâu, vóc người cao và
mảnh dẻ. Anh khoác áo chui đầu cổ lật màu vàng cháy hơi xộc xệch
với khuỷu tay nhàu nhò và chiếc quần lụa đen, đi chân trần trên thảm
lót sàn.
Chùm râu ngắn màu nâu che khuôn mặt anh, bộ râu của người nuôi
có chủ ý. Vì mang kính suốt mùa hè ở Nam cực nên vùng hõm mắt anh
sáng màu và mong manh như vết thương đang lên da non. Trên vầng
trán rộng hơi dô bị che khuất một phần bởi những lọn tóc ngắn là vết
hằn nằm vắt ngang do nắng ăn da. Mi mắt anh sưng mọng, tròng trắng
nổi vằn đỏ. Anh không thể ngủ được nữa, không thể khóc được nữa,
cũng không thể nào quên. Không thể nào...
Biến cố bắt đầu từ một trong những nhiệm vụ tầm thường vô vị nhất,
là công việc hằng ngày, quen thuộc và thường xuyên. Đã nhiều năm
nay việc thám hiểm Nam cực không còn là của những con người gan dạ
nữa, mà thuộc về những người tổ chức thông thái.
Người ta đã có mọi công cụ cần thiết để chống chọi với những bất
tiện về khí hậu và về khoảng cách xa xôi, để hiểu những gì mình đang
tìm kiếm, để đảm bảo cho các nhà nghiên cứu những tiện nghi tối thiểu
ba sao - và có đủ nhân sự cần thiết hội đủ kiến thức cần thiết. Khi gió
thổi quá mạnh thì người ta ở trong nhà mặc cho gió thổi; và khi gió
lặng, người ta lại bước ra ngoài, mỗi người làm việc phải làm. Trên bản
đồ, người ta đã phân chia địa cực ra thành từng lát như bổ một quả dưa,
và phái đoàn Pháp đóng quân thường trực ở căn cứ Paul Emile Victor
đã chia lát cắt của mình thành những hình chữ nhật và hình thang nhỏ
và tiến hành thám hiểm hết chỗ này đến chỗ kia một cách có hệ thống.