Chi bằng lúc đầu xanh tuổi trẻ Trời phú cho mạnh khỏe tay chân Việc
ta ta hãy chuyên cần
Quyết đem tài chí lập thân sau này
Rồi vùn vụt tới ngày tuổi tác Tới khi ta tóc bạc da mồi Vuốt râu ôn lại
sự đời
Đời ta đầy đủ thảnh thơi tự hào
Đó là một bài thơ của tác giả Giòng nước ngược. Rất nhiều niên thiếu
đã thấm lời khuyên của ông, đem "tài chí lập thân" và sử sách đã ghi chép
sự nghiệp "thảnh thơi tự hào" của họ. Không bao giờ tôi được là một trong
rất nhiều niên thiếu ấy. Bởi tôi đã muốn đổi thời gian lấy vé xi nê! Bởi tôi
đã say mê Herman Brix như nhiều niên thiếu hôm nay say mê Lý Tiểu
Long, Khương Đại Vệ, cắp cặp vào rạp chiếu bóng mỗi buổi sáng, bỏ
trường lớp một cách hứng khởi. Tôi luôn luôn gặp cái dĩ vãng tội nghiệp
của tôi ở cửa rạp chiếu bóng sáng hôm kia, sáng hôm qua, sáng hôm nay,
sáng ngày mai. Ôi dĩ vãng tội nghiệp, buồn ghê nơi, tôi còn thấy nó hiện về
ở hiện tại của niên thiếu bây giờ. Nếu tôi đã "lập thân" nhỉ? Thì xóa bỏ dĩ
vãng tội nghiệp bằng một đạo luật cấm học trò vào rạp chớp bóng, ghé
quán cà phê trong giờ học, ngày học. Nhưng tôi không "lập thân" do "quyết
chí" tự "lúc đầu xanh tuổi trẻ". Mà "lập thân" do sự "đói đầu gối phải bò",
do sự thử vận ngập lụt thủy triều may rủi. Và chắc chắn, sự lập thân này
không hề do "tài chí". Cuộc đời vẫn hiếm hoi kẻ tin ở lời nói thật. À, anh
nói láo, anh giả vờ khiêm tốn, mấy chục cuốn sách của anh chẳng là sự
"đầy đủ thảnh thơi tự hào" chăng? Tự hào ư? Có chứ, tự hào lắm song xin
dành sự tự hào ấy cho loài mối.
Xưa có người rạng danh văn chương phú lục, liệng cái tự hào đó mà
rằng:
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Lại thêm người nữa:
Một việc văn chương thôi đã hỏng, Trăm năm thân thể có ra gì.
Ông Nguyễn Khuyến không tự hào với sách vở của ông. Ông Trần Tế
Xương không tự hào với văn chương của ông. Lũ hậu sinh học đòi "trước