khác đi chân, rồi trước lúc bà cưỡi ngựa đi qua một chút, là bà Lee...
tôi nghĩ là bà ta, nhưng vì ở xa nên không nhìn rõ. Bà ấy đi con đường
dẫn tới phía tôi đứng, rồi đột ngột rẽ vào rừng biến mất.
Cảnh sát hỏi tại sao không thấy bà Lee đến dự cuộc thẩm vấn, thì
được trả lời: đương sự đã bỏ làng đi từ mấy hôm nay, không nói là đi
đâu. Vì bà ta thường lang thang như thế, nên không ai quan tâm. Có
người nhớ ra một hoặc hai ngày trước hôm tai nạn, bà ta cũng đi vắng
đâu không biết.
Ông lão bới khoai lại được mời ra.
- Ông có chắc chắn trông thấy bà Lee hôm ấy?
- Thú thật, tôi không dám bảo đảm, nhưng người ấy có chiếc áo
đỏ giống bà Lee.
- Cảm ơn. Ông Rogers, phiền ông lại đây. Ông biết bà Lee?
- Có, rất biết.
- Ông đã có dịp nói chuyện với bà ấy?
- Luôn luôn, hay đúng hơn, bà ấy nói với tôi và vợ tôi trước.
- Đã bao giờ bà ấy đe dọa?
Tôi nghĩ một lát:
- Gọi là đe dọa cũng được, mặc dù...
- Ông cứ nói.
- ... tôi không coi trọng những lời huyên thuyên của bà ấy.
- Bà ta có vẻ gì không ưa vợ ông, vì một lý do nào đó?
- Một hôm vợ tôi có nói như thế, song cũng không hiểu lý do tại
sao bà ấy ác cảm.
- Ông có yêu cầu bà ấy không được lai vãng gần nhà, và đe dọa
bà ta nếu không tuân theo?
- Người đe dọa bao giờ cũng là bà ấy, không phải tôi.
- Ông có cho là đầu óc bà ta không bình thường?
- Có. Theo tôi, bà ấy đinh ninh là miếng đất chúng tôi xây nhà
vẫn thuộc về dân du mục, và ý tưởng ấy ăn sâu vào đầu óc.