«Em làm gì ngoài này. Con nó cảm hàn mất thôi.»
Tiết trời giữa tháng ba còn lạnh giá. Thằng bé sưng phổi phải nhập viện.
Fumiko ở luôn nhà thương chăm con. Nàng nói với chồng, «Nó có chết thì
càng tiện cho anh. Như vậy, anh có bỏ em cũng dễ.» Ngay cả trong lúc gia
cảnh bối rối như vậy, Oki cũng không bỏ lỡ dịp đi gặp Otoko. Vậy mà sau
cùng, đứa con cũng được cứu sống.
Năm sau khi Otoko sanh thiếu tháng, Fumiko biết chuyện nhờ tình cờ bắt
được lá thơ bà mẹ Otoko gửi cho Oki. Một cô gái mười bẩy sanh con, sự
việc tự nó thật ra không có gì ghê gớm, nhưng Fumiko không thể chấp
nhận được dù trong chiêm bao. Tràn đầy giận dữ, Fumiko đay nghiến ông
thậm tệ rồi cắn lưỡi toan tự tử. Máu trào ra mép. Oki cậy vội miệng vợ đút
tay mình vào, cho đến khi Fumiko nghẹn thở, buồn nôn, rồi nhũn người
khuỵu xuống. Tay ông đầy vết răng vợ, máu chảy có giọt. Thấy Oki bị
thương, Fumiko tỉnh giận. Nàng rửa vết thương cho chồng, đắp thuốc cầm
máu, và băng lại. Khi ông viết xong cuốn truyện, Fumiko cũng đã nguôi
ngoai vì biết chồng đã bỏ Otoko, và cô gái đã theo mẹ đi Kyoto.
Ông nghĩ để vợ đánh máy bản thảo phải chăng như quậy mũi dao trong vết
thương, khơi lại lòng ghen tuông cũng như đau khổ của nàng. Nhưng
không để vợ dự phần vào tác phẩm, Oki cảm thấy như còn giấu diếm và
không thành thực với vợ.
Làm cũng dở mà không làm cũng dở. Sau cùng ông đưa bản thảo cho vợ vì
thiện ý muốn thú thật mọi chuyện. Fumiko đọc tác phẩm một hơi từ đầu
đến cuối trước khi đánh máy. Đọc xong, mặt mày tái ngắt, nàng nói:
«Lẽ ra em phải buông cho anh đi. Ai đọc những hàng chữ này tất sẽ xót
thương Okoto.»
«Anh công nhận anh đã không viết nhiều về em...»
«Em biết em không thể so sánh được với người đàn bà lý tưởng.»
«Anh không muốn nói như vậy.»
«Hồi ấy em ghen đến mất khôn.»
«Dù sao thì Otoko đã bỏ đi. Và sự thật là anh với em sẽ sống với nhau
những năm dài trước mặt. Vả lại phần lớn tác phẩm là hư cấu của nghề văn,
và nhân vật không giống với Otoko ngoài đời. Chẳng hạn đoạn Otoko vào