«Không, vậy không được.»
Otoko nói mà đầu óc ở mãi đâu đâu. Nhìn tranh, những kỷ niệm về mẹ dồn
dập hiện về. Khi Keiko gọi, nàng lại nhớ đến những bức tranh cổ vẽ tiên
đồng. Các tiên đồng tướng mạo con gái, nên ngoài cái xinh đẹp tôn quý của
tranh đạo, lại có cái gì tha thướt mượt mà. Những tranh ấy chắc phản ánh
xu hướng đồng tính luyến ái trong các tu viện thời trung cổ. Một khi phụ nữ
tuyệt đối không được lai vãng, những chú tiểu mà đẹp như con gái trở
thành đối tượng cho những ước muốn cấm kỵ của đám thiền sinh.
Có lẽ vì các tiên đồng giống gái mà Otoko nghĩ sẽ dùng họ làm mẫu khi vẽ
Keiko. Tóc tiên đồng cũng chải bồng và cắt ngang phía trước như tóc con
gái thời nay. Chỉ có điều những kimono gấm lộng lẫy tiên đồng mặc thì bây
giờ chỉ còn thấy trong tuồng Nô mà thôi. Đàn bà tân thời ăn mặc như vậy
thì cổ hủ quá.
Nàng lại nhớ đến những tranh Kishida Ryusei vẽ Reiko, con gái mình. Vẽ
bằng sơn dầu hay phẩm nước, tranh thường giống tranh tôn giáo. Trừ một
tấm rất hiếm Otoko đã được coi, màu nhạt trên giấy tầu vẽ cô gái Reiko cởi
trần mặc quần lót đỏ. Tấm tranh không hẳn là một kiệt tác của Ryusei, và
nàng thắc mắc không biết tại sao họa sĩ lại vẽ con gái theo kiểu cổ điển.
Ông ta đã vẽ những bức tranh tương tự theo lối tây phương.
Nàng nghĩ tại sao lại không vẽ Keiko khỏa thân. Nàng có thể vẽ theo mẫu
đức bồ tát thủa niên thiếu, và nhiều tranh Phật cũng cho phép phô bày nhũ
hoa phái nữ. Nhưng tóc thì sao? Nàng nhớ một tấm tranh rất đẹp của
Kobayashi Kokei, tinh khiết trong sạch, nhưng kiểu tóc lại không hợp.
Nghĩ lui nghĩ tới, nàng thấy dự tính thật quá khó khăn. Nàng gọi cô gái:
«Keiko ơi, ta đi ngủ thôi.»
«Sớm thế cô? Trăng đẹp như thế này.»
Keiko nhìn đồng hồ và nói:
«Mới hơn mười giờ.»
«Cô hơi mệt, ta vào giường nói chuyện đi.»
«Cũng được.»
Trong khi Otoko ra bàn phấn sửa soạn, Keiko đi làm giường. Cô gái làm
giường rất lẹ. Otoko ra khỏi bàn phấn, Keiko tới gương rửa mặt. Ngả tới