Sau cùng nàng nói:
«Cô chỉ muốn hóa thành hòn đá trong vườn đá này.»
Vườn đá của thiền sư Muso dãi dầu mưa nắng, cổ kính như hiện hữu tự bao
giờ. Nhưng hình dạng và cách sắp đặt thì rõ ràng là nhân tạo. Chưa bao giờ
Otoko thấy được cái khí lực của vườn như hôm nay. Nàng nghe như có
khối tâm linh đè nặng lên ngực. Nàng nói:
«Chúng ta về đi. Đá bắt đầu làm cô sợ.»
«Đồng ý.»
Otoko lảo đảo đứng dậy. Nàng nói:
«Vườn đá này, cô chịu thua. Trừu tượng quá. Nhưng trong bản phác, hình
như em đã bắt được một cái gì độc đáo.»
Keiko nắm tay Otoko:
«Cô à, về nhà cô với em ta chơi trò cá heo nhé.»
«Trò cá heo là cái gì. Lại chuyện gì nữa đây?»
Keiko cười ranh mãnh, đi về hướng lùm tre thường thấy trong ảnh chụp
phong cảnh chùa. Otoko nét ưu tư hơn là buồn. Keiko vỗ nhẹ lên vai cô
giáo:
«Cô. Hôm nay đá nó thu mất hồn cô rồi phải không?»
«Không đâu. Cô chỉ muốn cả ngày ngồi ngắm đá mà không cần vẽ.»
«Chẳng qua là mấy hòn đá mà cô. Cô nhìn đá như thể cô thấy chuyện gì
linh thiêng thần bí...
«Em nhớ có đọc bài tùy bút của một nhà thơ hài cú, đại để là phải ra ngắm
biển ngày này qua ngày khác rồi về lại Kyoto mới khám phá ra ý nghĩa của
vườn đá.»
«Ông ta thấy biển trong vườn đá sao? Tuy nhiên, cô nghĩ cô không vẽ nổi
vườn đá này.»
«Nhưng vườn đá chẳng qua là do người ta dựng lên, dựng theo lối trừu
tượng. Em nghĩ em có thể vẽ được nó, theo kiểu của em, muốn dùng màu
gì thì dùng.»
Lát sau Keiko hỏi:
«Người ta bắt đầu làm vườn đá từ bao giờ cô nhỉ?»
«Cô không biết đích xác. Có lẽ không trước thế kỷ mười bốn.»