của máu, mặn, nồng – nàng có thể hình dung ra hương vị của nó. “Văn minh
là quan trọng,” nàng nói.
“Đấy không phải là văn minh, đồ ngốc ạ. Trường học và bệnh viện.
Đấy mới là văn minh.”
Đồ ngốc – sao anh ta dám!
“Nhưng phải có chuẩn mực. Nếu không tất cả sẽ tụt xuống hạ đẳng như
anh và gia đình anh.”
Nàng choáng váng về chính mình khi thốt ra những lời ấy, nhưng vào
lúc này nàng sẵn lòng tin vào bất kỳ điều gì đối nghịch với Gyan.
“Tôi hiểu rồi, xa xỉ phẩm của Thụy Sĩ là chuẩn mực, sôcôla và đồng hồ
là chuẩn mực… Ừ, cứ vuốt ve cái lương tri tội lỗi của cô đi, cô bé ngu ngốc
ạ, và hãy cầu cho không ai đốt trụi nhà cô chỉ vì lý do đơn giản là cô là đồ
ngốc.”
Một lần nữa anh ta gọi nàng là đồ ngốc…
“Nếu anh nghĩ vậy, thì sao anh không tẩy chay pho mát đi mà vẫn ăn
lấy ăn để? Giờ anh lại dè bỉu nó? Đồ đạo đức giả!. Nhưng lúc nào có dịp ăn
pho mát thì vẫn thấy ngon đấy, nhỉ? Rồi bánh mì nướng kẹp pho mát? Anh
ăn chắc cũng phải hàng trăm miếng rồi ấy chứ. Chưa kể xì gà sôcôla…
Tham lắm, ăn như lợn ấy. Cả bánh mì kẹp cá ngừ và bánh quy bơ lạc nữa!”
Đến lúc này, khi cuộc đối thoại trở nên rời rạc, bản tính hài hước dần
trở lại trong anh, Gyan bắt đầu cười khúc khích, mắt anh giãn ra, nàng có thể
nhận thấy nét mặt anh biến đổi. Họ đã trở lại thân mật, tương đồng, tâm đầu
ý hợp. Chỉ còn lại hai con người bình phàm, dưới ánh sáng bình phàm của
ngọn đèn mờ đục hình trứng, không biết đến ơn trên, cũng chẳng cần khai
sáng, sự tổng hòa của những mâu thuẫn, của những nguyên tắc dễ dãi, đang
tranh cãi về một điều họ nửa tin nửa ngờ hoặc thậm chí chẳng có chút niềm
tin nào, vừa khoái tiện nghi vừa thích đạm bạc khổ hạnh, vừa chuộng sự tự
nhiên vừa mong được đóng kịch, vừa khát khao một mái ấm gia đình vừa
muốn từ bỏ nó vĩnh viễn. Họ vừa thích pho mát và sôcôla, vừa muốn tống
khứ những đồ ngoại quốc ấy đi. Vừa mơ một tình yêu cuồng nhiệt đưa họ