bốn mươi tư
Những sự kiện hãi hùng gia tăng, theo vòng quay của bốn mùa, qua
mùa đông và một mùa xuân đầy hoa, đến mùa hạ, tới mùa mưa rồi lại một
mùa đông nữa. Đường bị chặn, tối nào cũng có lệnh giới nghiêm, và
Kalimpong mắc kẹt trong cơn điên loạn của chính mình. Không ai có thể rời
khỏi vùng đồi; thậm chí nếu còn đừng được thì chẳng ai ra khỏi nhà mà chỉ
ở rịt bên trong, cửa đóng then cài.
Nếu anh là người Nepal mà lại ngoan cố không tham gia thì khổ rồi.
Người gác đêm ở MetalBox đã bị ăn đòn, bắt phải hô “Jai Gorkha,” rồi bị lôi
đến Đền Mahakala thề trung thành với lý tưởng.
Nếu anh không phải người Nepal thì còn khốn nạn hơn.
Nếu anh là người Bengal, những người đã quen biết anh cả đời sẽ
không nhận anh trên phố.
Ngay đến người Bihari, Tây Tạng, Lepcha và Sikkim cũng không nhận
anh. Họ, những đàn cá tép riu của thiểu số dân cư, những số lượng nhỏ nhoi
bất lực nếu không mắc lưới này thì mắc lưới kia, cũng muốn đặt người
Bengal vào vị thế đối nghịch với mình trong mâu thuẫn, cũng muốn coi họ
như kẻ thù.
“Suốt ngần ấy năm,” Lola nói, “em vẫn mua trứng của nhà Tshering ở
cuối đường, thế mà hôm qua ông ta nhìn thẳng vào mặt em rồi bảo hết hàng.
‘Tôi thấy đằng kia còn nguyên một rổ,’ em hỏi, ‘sao ông lại bảo hết hàng?’
‘Trứng ấy có người mua rồi,’ ông ta nói thế.”
“Pem Pem,” lúc trở ra Lola thốt lên như vậy khi thấy cô con gái bà
Thondup bạn mình bước vào. Mới mấy tháng trước Lola và Noni còn tham
dự những buổi giao tế hoành tráng ở nhà bà ta, nó gợi nhớ đến một cuộc
sống khác, ở một miền đất khác, trứng cút và măng, dưới chân là những tấm
thảm Tây Tạng dày dặn.
“Pem Pem??”