hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát; trong những ngày này, cơn giận dữ của chỉ
một con người có lẽ cũng đủ sức đốt cháy cả vùng đồi.
Ngoài đường, đàn bà đi lại hối hả. Ở nhà, đàn ông run rẩy vì sợ sẽ bị
tóm cổ, bị tra tấn vì đủ thứ lý do không đâu, GNLF quy kết họ là chỉ điểm
cho cảnh sát, cảnh sát quy kết họ là phiến quân. Ngay cả biết lái xe cũng có
thể gặp nguy hiểm khi ra đường, vì ô tô như một cái bẫy; xe cộ rất dễ bị
chặn và cướp; đi bộ còn linh hoạt hơn, nếu thấy động họ có thể trốn vào
rừng, lội qua jhora và đi đường tắt về nhà. Mà đằng nào thì chẳng bao lâu
sau cũng chẳng còn xăng nữa, vì người của GNLF đã hút đến giọt cuối cùng,
và mấy cây xăng đều đóng cửa.
Để trấn an mình, người đầu bếp nhắc đi nhắc lại, “Rồi sẽ ổn cả thôi, cái
gì chả có lúc khó khăn, họa phúc tuần hoàn, hết cơn bĩ cực đến hồi thái
lai…” Nhưng trong giọng nói của bác có phần nhiều cầu khấn hơn là kết
luận, nhiều hy vọng hơn là minh triết.
Sau những chuyện này – sau vụ cướp súng và sau cuộc tuần hành, sau
khi đã thấy ở đây mạng sống của một người không phải dân Nepal như bác
mong manh đến mức nào – bác không tài nào trấn tĩnh được nữa; chẳng có
ai, chẳng có gì – nhưng điềm gở cứ lù lù trước mắt – bác tin chắc một điều
gì đó còn tồi tệ hơn vẫn đang rình rập. Biju đang ở đâu, nó ở đâu rồi? Bác
bật dậy mỗi khi thấy có bóng người.
Vậy nên thường Sai là người đi bộ ra chợ để tìm một cánh cửa hậu mở
hé cho thấy bổn tiệm có giao dịch kín đáo trong chớp nhoáng, hoặc một tấm
biển thò ra từ cửa sổ túp lều của ai đó muốn bán một vốc lạc hay vài quả
trứng.
Ngoài mấy món ăn đạm bạc Sai mua về, chủ yếu là khu vườn đã nuôi
sống họ. Lần đầu tiên mọi người ở Cho Oyu ăn thức ăn đích thực của vùng
đồi. Dalda saag, hoa hồng, lá dẹt; bhutiya dhaniyamọc chi chít quanh chỗ ở
của người đầu bếp; rau bí xanh và dây bí đỏ, ngọn ningro, pho mát churbi và