LỜI BẠT
Tháng 10 năm 2006, ở tuổi ba mươi lăm, Kiran Desai trở thành nhà văn
nữ trẻ nhất đoạt giải Booker trong lịch sử ba mươi bảy năm tồn tại của giải
thưởng cao quý này. Anita Desai, mẹ cô, từng ba lần được đề cử, nhưng
chưa một lần được vinh danh.
Chiến thắng của Desai, trong chừng mực nào đó, là một câu trả lời của
hiện tại dành cho quá khứ, cho ba lần tiệm cận vinh quang của người mẹ nổi
danh. Song trên hết, đó là câu trả lời cho cuộc hành trình của chính cô, cho
tuổi thơ Ấn Độ và tuổi thành niên trên đất Mỹ. Di sản của Mất mát, như tác
giả từng nói, được viết trên góc nhìn của một người dân di cư, trên một hành
trình từ Đông sang Tây. Câu chuyện của Sai, của ông bà Mistry, của ông tòa,
cũng chính là câu chuyện của tác giả, của cha mẹ cô, ông bà cô, của những
lần rong ruổi giữa Đông và Tây, giữa quá khứ và hiện tại; câu chuyện về
những cảm xúc kế thừa từ cuộc lữ hành qua nhiều thế hệ… những cảm xúc,
như sương mù dưới chân dãy Kanchenjunga, đã vượt khỏi giới hạn của riêng
tư, âm thầm xóa nhòa đi ranh giới giữa mỗi miền đất, mỗi quốc gia, cho dù
đó là Kalimpong, London, hay New York.
Inheritance of Loss là một cái tựa đề không dễ dịch, hay nói đúng hơn
là không thể dịch cho hoàn toàn, vì tính đa nghĩa của khái niệm Loss trong
tiếng Anh khó lòng có thể chuyển tải trọn vẹn sang tiếng Việt. Di sản của
Mất mát, vì thế cho nên, chỉ là một cách dịch khả dĩ nhất, ít nhiều mang tính
định danh cho tác phẩm. Dưới ngòi bút Desai, Loss hiện hữu trên từng trang
viết, đeo đuổi theo mỗi con người, bám riết lấy từng thân phận. Loss là thất
bại, là mất mát, là tổn thương, mà cũng là lạc lõng, là di sản của quá khứ và
thách thức của hiện tại đè nặng trên vai nhân vật của Desai theo mỗi một
chặng đường. Đó là ông tòa Jemubhai sống như một người ngoại quốc trên
chính quê hương mình, là chàng thanh niên Biju bơ vơ lạc loài nơi đất
khách, là cô thiếu nữ Sai mười sáu tuổi bị cầm tù giữa một vùng đất bị lãng
quên, là người đầu bếp già nua hàng đêm mơ giấc mộng đổi đời. Mỗi con