“quá khó tiêu cho cái bụng của Bố nó.” Bà luôn gọi chồng là Bố nó và bà
cũng đã quen gọi Jemubhai là James. Nhưng tối hôm đó, cậu thấy trên đĩa có
món đậu bỏ lò còn bốc khói ăn kèm với bánh mì.
“Cảm ơn bà. Ngon lắm,” cậu nói với bà Rice đang đau đáu nhìn ra
ngoài cửa sổ.
Về sau, chính cậu cũng ngạc nhiên về hành động dũng cảm ấy, lòng
dũng cảm rồi cậu sẽ nhanh chóng mất đi.
Cậu đã trúng tuyển vào Fitzwilliam nhờ bài luận viết trong kỳ tuyển
sinh, “Những điểm tương đồng và khác biệt giữa Cách mạng Nga và Pháp”.
Fitzwilliam hồi đó thi thoảng vẫn bị cười nhạo vì giống một lớp học gia sư
hơn là một trường đại học, nhưng lập tức cậu vùi đầu vào học, vì đó là kỹ
năng duy nhất cậu mang được từ nước này sang nước khác. Cậu học liên tục
mười hai tiếng một ngày cho đến tối mịt, và bởi thu mình lại, vào những thời
điểm quyết định cậu không thể ứng xử với bên ngoài một cách mạnh dạn, và
thay vào đó cậu nhận ra sự nhút nhát và cô độc đã tìm thấy ở mình một
mảnh đất màu mỡ. Cậu giấu mình trong một nỗi cô đơn cứ trĩu nặng dần lên
ngày này qua ngày khác. Cô đơn đã trở thành thói quen, thói quen đã trở
thành con người, và nó nghiền nát cậu thành một chiếc bóng.
Nhưng những cái bóng, nói cho cùng, vẫn đem lại cho người ta cảm
giác bất an của riêng nó, và bất chấp việc đã cố gắng giấu mình đi, cậu chỉ
càng làm nổi bật hơn một vẻ gì đó khiến người khác bất an. Cả ngày không
một ai nói chuyện với cậu, cổ họng cậu tắc nghẹn những câu chữ không nói
nổi thành lời, trái tim và khổi óc cậu trở nên cùn nhụt và nhức nhối; những
phụ nữ đứng tuổi, kể cả những người kém may mắn – tóc ngả màu, da tàn
nhang, mặt như quả bí đỏ héo– cũng né sang bên khi cậu ngồi cạnh họ trên
xe buýt, để cậu biết rằng dù họ có bị làm sao đi nữa, họ vẫn an toàn dưới
những hình phạt trời ban ấy nên còn xa nó mới tồi tệ như những gì cậu có.
Những cô trẻ trung xinh đẹp cũng không tử tế gì hơn; bọn con gái bịt mũi và
cười khúc khích với nhau “Eo, người hắn toàn mùi cari!”